(Tổ Quốc) - Năm 2022, CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, mã HoSE: PTL) sẽ ra mắt nhận diện thương hiệu mới, đồng thời tái cấu trúc doanh nghiệp, định hướng mô hình kinh doanh, hoạch định chiến lược phát triển hướng đến mục tiêu đạt tham vọng nhiều tỷ đô vốn hóa thị trường.
Tuần rồi, sau khi Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) hoàn thành thoái vốn tại Petroland, đồng thời hai đại diện vốn góp chính thức của PVC rút khỏi HĐQT, CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí Petroland đã ngay lập tức công bố định hướng phát triển chiến lược trong 10 năm tiếp theo.
HĐQT nhận định, trong bối cảnh Petroland đang gặp không ít khó khăn, thách thức như hiện nay thì việc tái cấu trúc là yêu cầu bức thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, HĐQT đã thông qua nghị quyết về các mục tiêu trong thời gian tới, bao gồm: (1) Chiến lược phát triển ngành nghề cốt lõi; (2) Chiến lược phát triển quỹ đất; (3) Chiến lược định vị thương hiệu; (4) Chiến lược và mục tiêu vốn hóa.
Tòa nhà Petroland Tower 30 tầng vừa là trụ sở của CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí Petroland, vừa được khai thác làm văn phòng cho thuê và căn hộ chung cư.
Với tham vọng trở thành một trong những công ty tư nhân hàng đầu trong lĩnh lực đầu tư tài chính, bất động sản, quản lý vận hành cho thuê..., HĐQT và ban lãnh đạo Petroland sẽ xem xét, tái cấu trúc tài chính và dự án, quy mô và mô hình hoạt động, trong đó tích cực tìm kiếm các mảng kinh doanh mới giàu tiềm năng. Đồng thời, Petroland tăng cường kết nối các quỹ đầu tư, đẩy mạnh nhiều kênh huy động vốn mới, xây dựng chiến lược mở rộng quỹ đất, đáp ứng nhu cầu phát triển trung và dài hạn. Cụ thể, Petroland đặt mục tiêu đến năm 2022 bổ sung quỹ đất 1.000 ha, nâng tổng quỹ đất lên 1.500 ha để chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển mạnh mẽ sắp tới.
Đặc biệt, sau khi cổ đông lớn - PVC thoái vốn, nhóm cổ đông còn lại và những cổ đông mới của Petroland đã nhanh chóng tìm được tiếng nói chung trong định hướng và chiến lược mới phát triển công ty, cũng như đồng thuận với nghị quyết hủy bỏ chủ trương hủy niêm yết cổ phiếu. Theo HĐQT Petroland, những thông tin tích cực từ thị trường cũng như vốn hóa công ty đang ngày càng được cải thiện thì việc hủy bỏ chủ trương hủy niêm yết là giải pháp tối ưu để bảo vệ quyền lợi của cổ đông.
Được biết, Petroland sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào đầu năm 2022, nhằm thay đổi cơ cấu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, đồng thời trình chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp với nhiều nội dung quan trọng, đồng thời bầu bổ sung Thành viên HĐQT.
Gần hết quý 4/2021, công ty ước tính ghi nhận gần 15,6 tỷ lợi nhuận (quý 4), tăng gần 15 lần so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm 2021, doanh nghiệp đạt doanh thu khoảng 116 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 34 tỷ đồng, cải thiện tăng doanh thu gấp 2,3 lần và lợi nhuận tăng gấp 14,23 so với năm 2020.
Như vậy, doanh nghiệp hoàn thành xấp xỉ 100% kế hoạch doanh thu và 343% mục tiêu lợi nhuận của năm 2021.
Trong khoảng 1 tháng qua, cổ phiếu PTL của Petroland có đà tăng giá mạnh, từ 8.000 đồng/cp lên 16.500 đồng/cp. Nguồn: TradingView
Những ngày gần đây, những thông tin tích cực của Petroland đã đẩy giá cổ phiếu PTL tăng mạnh, liên tục chạm trần. Chốt phiên 18/12, cổ phiếu PTL lên vùng đỉnh lịch sử 16.500 đồng/cp, tăng hơn 60% chỉ trong vòng 1 tháng và tăng gần 200% trong vòng 1 năm qua.
CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí Petroland được thành lập năm 2007 vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Đến tháng 9/2010, cổ phiếu PTL chính thức lên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Hiện tại, lợi nhuận chủ yếu của Petroland thu về từ các hoạt động cho thuê văn phòng, hợp tác kinh doanh, cung cấp dịch vụ quản lý và vận hành tòa nhà, chung cư, kinh doanh bất động sản thứ cấp…; trong đó hoạt động cho thuê văn phòng mang lại phần lớn doanh thu, với tỷ trọng đóng góp bình quân 70%.
Ánh Dương