(Tổ Quốc) - Tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái do ảnh hưởng của COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp và chủ hàng lo lắng.
Tại buổi tọa đàm về hải quan tổ chức ngày 18/8, ông Nguyễn Phương Nam – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) cho biết đến nay hoạt động sản xuất của cảng Cát Lái đã diễn ra thông suốt, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc và có giải pháp kịp thời. Trước đó, tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái đã khiến nhiều doanh nghiệp và chủ hàng lo lắng. Trên thực tế, đây là cảng có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng biển khu vực TP HCM.
Theo số liệu của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), sản lượng container năm 2020 của cảng Cát Lái đạt gần 5,59 triệu TEU, chiếm 71% sản lượng container của cả khu vực cảng TP HCM. Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng đạt 2,89 triệu TEU, chiếm 66,7% tổng sản lượng container của Thành phố. Trong đó, nếu chỉ tính riêng sản lượng container xuất nhập khẩu, cảng Cát Lái đạt 486 nghìn TEU, chiếm khoảng 86% sản lượng container xuất nhập khẩu của cả khu vực TP HCM.
Nguyên nhân khiến cảng Cát Lái gặp ùn tắc đến từ những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nặng nề tại khu vực TP HCM nói riêng và phía Nam nói chung.
- Nhiều nhà máy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Một số ít doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ", "2 địa điểm, 1 cung đường" nhưng cũng đều phải cắt giảm sản lượng. Tình trạng này dẫn đến việc các doanh nghiệp dừng hoạt động không thể tiếp nhận các container nguyên liệu nhập khẩu, container bị lưu lại cảng nhiều gây ùn tắc tại cảng.
- Cát Lái cũng gặp phải tình trạng thiếu nhân lực cho dây chuyền sản xuất tại cảng. Theo công ty Tân Cảng Sài Gòn, để duy trì hoạt động liên tục cho cảng Cát Lái, lượng nhân sự cần thiết phải có khoảng 500 người. Tuy nhiên do dịch bệnh, lực lượng lao động tại cảng Cát Lái giảm xuống 50%, dẫn đến thiếu hụt. Mô hình "3 tại chỗ" được bố trí nhưng do đặc điểm sản xuất trở nên ít hiệu quả, năng suất bốc dỡ, giải phóng tàu của công ty bị ảnh hưởng.
Các nhóm giải pháp kết hợp nhiều bên đã được đưa ra để nhanh chóng khắc phục tình trạng này bao gồm: tăng tốc độ giải phóng container nhập ra khỏi cảng; tăng năng lực bãi chứ hàng trong và ngoài cảng; giảm lượng hàng có thể bị tồn lâu đưa về cảng; làm việc với cơ quan chức năng đẩy mạnh thủ tục online…
Một trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trọng yếu tại cảng Cát Lái là CTCP Cảng Cát Lái (CLL), hiện đang niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Các cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (24,38% vốn điều lệ) và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (20,89%).
CTCP Cảng Cát Lái chính là đơn vị khai thác cầu cảng chuyên dụng xếp dỡ container của cảng Cát Lái, được xây dựng trên khu đất 6,2 ha và mặt nước tiếp giáp khu đất phía bờ sông Đồng Nai thuộc phạm vi khu nước cầu tàu Vitaco cũ đã di dời thành cảng liên hoàn với khu cảng container Tân Cảng Cát Lái của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn theo quy hoạch của Chính phủ và TP HCM.
CTCP Cảng Cát Lái có hiệu quả hoạt động tương đối ấn tượng, doanh thu thuần đạt 386 tỷ đồng năm 2020; lợi nhuận ròng 97 tỷ đồng và EPS 2.674 đồng. Trong 6 tháng đầu năm, cảng đạt doanh thu 136 tỷ đồng; lãi ròng 42 tỷ đồng. Doanh thu của CTCP Cảng Cát Lái chủ yếu đến từ dịch vụ cảng biển và dịch vụ vận tải, chiếm khoảng 85 - 87%. Kết quả kinh doanh của cảng Cát Lái được duy trì ổn định và hiệu quả trong nhiều năm gần đây, với tỷ suất lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 25%.
Cụm cảng Cát Lái nằm trong hệ thống của Tân Cảng Sài Gòn, ông lớn ngành cảng Việt Nam. Tổng công ty này hiện đang nắm 96% thị phần cảng khu vực TP HCM, 65% thị phần khu vực cảng nước sâu Cái Mép và 63% thị phần cảng toàn quốc.
Hứa Vân