(Tổ Quốc) - Trong kỳ hạn tháng 10/2021 giá đường thô trên sàn ICE tăng 0,36 US cent tương đương 1,83% lên 20,04 US cent/lb, tăng 120% trong vòng 4 tháng và giá đường trắng trên sàn London tăng 1,3 USD tương đương 0,3% lên 478,8 USD/tấn vượt đỉnh cao nhất trong 4 năm qua.
Giá đường thế giới tiếp tục vượt đỉnh trong bối cảnh cung toàn cầu giảm
Số liệu cập nhật ngày 27/8 cho thấy giá đường đang tăng trở lại sau khi đạt đỉnh cao nhất 4 năm vào cuối tuần trước. Cụ thể giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,36 US cent tương đương 1,83% lên 20,04 US cent/lb, tăng 120% trong vòng 4 tháng. Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn London tăng 1,3 USD tương đương 0,3% lên 478,8 USD/tấn.
Nguồn: tradingeconomics.com
Theo báo cáo của công ty tư vấn đường châu Âu Covrig Analytics, các nhà kinh doanh đường tiếp tục điều chỉnh giảm ước tính sản lượng đường của Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% xuất khẩu đường toàn cầu, bởi họ tin rằng hạn hán khắc nghiệt và sương giá sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, ngành mía đường nước này có thể phải kết thúc sớm hơn nhiều thường lệ, khiến nguồn cung toàn cầu bị hạn chế.
Covrig Analytics cho biết, trong trường hợp xấu nhất nếu sản lượng đường của Brazil giảm xuống mức 30,8 triệu tấn, thì cán cân đường toàn cầu sẽ thâm hụt tới 4,6 triệu tấn vào năm 2021/22.
Số liệu liên quan đến sản lượng đường trong nửa cuối tháng 7 và tháng 8/2021 từ Tập đoàn công nghiệp Unica của Brazil có thể sẽ khiến giá đường tăng cao hơn lên đến 20,5 – 21 US cent/lb. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu cơ đường thô trên sàn giao dịch kỳ hạn New York đã nâng vị thế mua ròng, sau khi sản lượng đường Brazil bị sụt giảm vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua cũng là một động thái có thể đẩy giá đường lên mức 21-22 US cent/lb trong thời gian tới.
Những thông tin bất lợi từ quốc gia cung cấp đường lớn nhất thế giới cùng với các diễn biến trên thị trường hàng hóa đã khiến giá đường lên cao nhất trong 4 năm qua, và xu hướng này có thể chưa dừng lại.
Giá đường Việt Nam tiếp nối đà tăng, lạc quan nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ
Trong nước, giá đường kính trắng, đường tinh luyện và đường vàng đã tăng từ mức 16.300 đồng/kg trong tháng 6 tăng lên 17.400 – 18.200 đồng/kg trong tháng 7/2021 (mức tăng 6,7% trong một tháng). Tính từ đầu năm, giá bán đường tại các nhà máy đã tăng 30%, từ mức 13.000 – 14.000 đồng/kg lên 17.000 – 18.000 đồng/kg.
Tại Việt Nam, giá đường nội địa vẫn đang trong xu hướng tăng do ảnh hưởng bởi đà tăng chung của giá đường thế giới, cộng thêm nhu cầu tăng cao do tình hình dịch bệnh phức tạp, tuy vậy, có thể thấy giá đường nội địa của Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức thấp hơn 20% so với các nước ASEAN và Trung Quốc. Cụ thể, theo báo cáo của Vietnambiz, giá đường trong nước ở thời điểm 27/7 đạt ~17.800 đồng/kg, nhưng tại Trung Quốc là 20.283 đồng/kg, Philippines là 21.955 đồng/kg, tại Indonesia là 19.130 đồng/cp, Thái Lan là 16.245 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc giá đường trong nước còn nhiều không gian để tiếp tục tăng và tiệm cận mức trung bình của khu vực trong thời gian tới, đặc biệt khi diễn biến giá đường thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hàng rào thuế quan đối với đường xuất xứ Thái Lan sẽ thúc đẩy giá đường nội địa Việt Nam. Việc áp thuế chính thức kỳ vọng mở ra bức tranh tươi sáng cho ngành mía đường Việt Nam trong dài hạn bởi nó sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa đường nội địa và đường Thái Lan. Rào cản thuế quan sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dựa trên trợ giá của đường xuất xứ từ Thái Lan.
Các nhà phân tích tính toán trong tình trạng thị trường thế giới và nội địa chưa ổn định như hiện tại, giá đường Việt có thể tiếp tục tăng và sớm đạt mức 20.000 đồng/kg, thậm chí lên cao hơn vì ảnh hưởng bởi các yếu tố tăng giá mạnh mẽ của đường thế giới, cộng thêm dự báo thâm hụt sản lượng đường trong niên vụ 2021/2022 tại những quốc gia đứng đầu bảng về sản lượng và xuất khẩu đường.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành đường tiếp tục cải thiện
CTCP Thành Thành Công – Biên Hoà (mã SBT), trong niên độ 2020 – 2021, công ty đã tiêu thụ 1,16 triệu tấn đường, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần cả niên độ đạt 14.902 tỷ đồng, theo đó, đường vẫn đóng vai trò chủ lực chiếm gần 95a% trong cơ cấu doanh thu. Lợi nhuận trước thuế đạt 798 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước. Lãi ròng 669 tỷ đồng, tăng 84%. Như vậy, công ty đã vượt 3,7% kế hoạch doanh thu và vượt gần 21% mục tiêu lợi nhuận năm.
Nguồn: tính toán dựa trên BCTC SBT
CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã chứng khoán: QNS): Luỹ kế 6 tháng, doanh nghiệp đạt 3.670 tỷ doanh thu thuần, lãi sau thuế 521,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 19% so với nửa đầu năm ngoái. Năm 2021, QNS đặt kế hoạch 8.000 tỷ doanh thu và 913 tỷ lãi sau thuế. Như vậy, nửa đầu năm, công ty đã thực hiện được 46% chỉ tiêu doanh thu và 57% mục tiêu lợi nhuận năm. Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt VDSC, sản lượng tiêu thụ năm 2021 của QNS được dự phóng tăng 41% do sản lượng đường RS phục hồi 30% từ mức cơ sở thấp của năm 2020, trong khi sản lượng đường RE sẽ đóng góp sản lượng tiêu thụ khoảng 10.000 tấn trong nửa cuối năm.
CTCP Mía đường Sơn La (Mã chứng khoán: SLS): Tương tự TTC Sugar, Mía đường Sơn La cũng vượt kế hoạch lợi nhuận niên độ 2020 - 2021. Kết thúc niên độ, SLS ghi nhận 801 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 24% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 164 tỷ đồng, tăng 37% so với thực hiện niên độ tài chính 2019 - 2020. So với kế hoạch đề ra, doanh nghiệp đã thực hiện 98% kế hoạch doanh thu và vượt 5,3 lần kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Ánh Dương