Theo đại diện PVcomBank, chuyển đổi số là chìa khóa để ngân hàng cải thiện hoạt động hiện tại, duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững trong tương lai.
Để làm rõ hơn những nỗ lực và thành tựu mà PVcomBank đạt được trên hành trình chuyển đổi số với sự đồng hành và hỗ trợ của Amazon Web Services (AWS), cũng như tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi với ngành ngân hàng nói chung, ông Trịnh Vinh Hiển, Phó Giám đốc Khối Công nghệ Thông tin PVcomBank đã chia sẻ.
PVcomBank đã, đang và sẽ định vị mình ra sao trong cuộc đua chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng, thưa ông?
Tại thời điểm PVcomBank được thành lập vào năm 2013, việc mở mới điểm giao dịch vật lý tương đối khó khăn, cả về thủ tục giấy phép lẫn chi phí vận hành, hoạt động. Do đó, PVcomBank đã xác định chuyển đổi số là yêu cầu cấp bách cần phải được ưu tiên phát triển.
PVcomBank đã chọn khẩu hiệu "Ngân hàng không khoảng cách" làm tôn chỉ hoạt động, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, với nguyện vọng mang đến cho khách hàng những giải pháp tài chính đa dạng, tối ưu ở mọi nơi, mọi lúc. Tại PVcomBank, hành trình chuyển đổi số không chỉ là ưu tiên mà còn là mục tiêu "sống còn" để đón đầu xu thế tương lai, chinh phục khách hàng bằng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ tài chính số ưu việt.
PVcomBank nhận định ra sao về lợi thế và những khó khăn của mình trong quá trình triển khai các sản phẩm/dịch vụ số?
Sau khi ra mắt thương hiệu, một trong những nhiệm vụ quan trọng của PVcomBank là phải tìm ra được giải pháp ngân hàng lõi có khả năng đáp ứng tối đa sự vận hành của hệ thống và phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Đến tháng 2/2017, PVcomBank đã hoàn thành nhiệm vụ này với Core T24 - sản phẩm ngân hàng lõi của nhà cung cấp Core hàng đầu Temenos (Thụy Sỹ). 5 tháng sau đó, Tạp chí Asian Banking Finance (ABF) trao giải "Ngân hàng có giải pháp Core Banking đột phá, hiệu quả nhất Việt Nam" và giải "Ngân hàng có sản phẩm Mobile Banking sáng tạo, hiệu quả nhất Việt Nam". Nỗ lực chuyển đổi ngân hàng lõi tuy vất vả, đòi hỏi chi phí, nguồn nhân lực lớn, nhưng hoàn toàn xứng đáng bởi Core T24 có thể đáp ứng được đa dạng mục đích sử dụng, như: Phục vụ khách hàng nhanh chóng, thông suốt, tích hợp kênh giao dịch điện tử, tránh xảy ra những trục trặc trong giao dịch, đáp ứng chuẩn mức Basell 2, thậm chí Basell 3. Đây còn là nền tảng đảm bảo cho khả năng phát triển ổn định và mở rộng một cách linh hoạt của Ngân hàng số PVcomBank trong tương lai.
Tất nhiên, chuyển đổi số không chỉ là một ứng dụng phục vụ khách hàng trên môi trường online hay việc thay đổi ngân hàng lõi mà phải là sự tích hợp công nghệ vào tất cả các mặt hoạt động của ngân hàng, từ phát triển sản phẩm đến quy trình, vận hành, mô hình kinh doanh…
Ông Trịnh Vinh Hiển, Phó Giám đốc Khối Công nghệ Thông tin PVcomBank
Khi mạnh mẽ triển khai các công nghệ số hóa tiên tiến, PVcomBank đã thu được những thành tựu gì? Đâu là thành tựu khiến PVcomBank tự hào nhất?
Về hoạt động nội bộ, nhờ áp dụng công nghệ số, Ngân hàng loại bỏ được các bước trung gian, từ đó tiết kiệm chi phí hoạt động lên tới 40%. Công tác quản lý, quản trị của Ngân hàng cũng được hoàn thiện hơn nhờ vào nguồn thông tin quản lý dồi dào, hệ thống báo cáo thông suốt, kịp thời và hiệu quả, giúp đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác.
Chúng tôi tự hào là một trong những ngân hàng đầu tiên kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ứng dụng thành công CCCD gắn chip trong hoạt động định danh, xác thực điện tử và mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC.
PVcomBank cũng phối hợp với đối tác triển khai chương trình "Một thẻ quốc gia" do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế thực hiện. Như vậy, người bệnh chỉ cần sử dụng 1 thẻ Khám chữa bệnh duy nhất để thanh toán mọi dịch vụ trong bệnh viện, từ gửi xe, ăn uống, thanh toán viện phí, thuê xe điện,…
PVcomBank đẩy mạnh phát triển các sản phẩm/ dịch vụ số
Ông có thể chia sẻ một chút về vai trò của AWS trong việc giúp PVcomBank đẩy mạnh phát triển các sản phẩm/dịch vụ số được không?
PVcomBank dịch chuyển toàn diện với 9 ứng dụng ngân hàng mang tính cốt lõi lên nền tảng đám mây AWS, bao gồm: ESB (Bus dịch vụ doanh nghiệp), API Management (Quản lý giao diện lập trình ứng dụng), Digital Banking Platform (Nền tảng ngân hàng số), Retail Mobile Banking (Ngân hàng bán lẻ di động), Business Internet Banking (Dịch vụ Ngân hàng trực tuyến doanh nghiệp), CDP (Nền tảng dữ liệu khách hàng), Big Data Platform (Nền tảng dữ liệu lớn).
Chúng tôi cũng sử dụng nhiều công cụ của AWS như AWS Landing Zones để bảo mật hồ sơ dữ liệu, Amazon SageMaker để phát hiện/ngăn chặn gian lận/lừa đảo; Amazon Bedrock để cung cấp bản tóm tắt những gì khách hàng tìm kiếm dựa trên công cụ search, chat, phản hồi…
Với các dịch vụ từ AWS, chúng tôi cải thiện tỷ lệ chuyển đổi click chuột thành doanh số từ 0,5% lên 3,5%, tăng độ hài lòng của khách hàng lên 30%, đồng thời giảm 18 tấn khí thải C02.
Chúng tôi cũng đặt mục tiêu dịch chuyển 75% khối lượng công việc của Ngân hàng (ví dụ: Ngân hàng số, Lakehouse - kiến trúc quản lý dữ liệu mở, nền tảng dữ liệu khách hàng) lên AWS trong vòng từ 6-9 tháng tới.
Chúng tôi cũng nhận thấy việc nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo chuyển đổi số thành công. Theo đó, chúng tôi đang cộng tác chặt chẽ với AWS để triển khai các chương trình tái đào tạo và nâng cao kỹ năng đám mây cho hơn 1000 cán bộ nhân viên về khả năng làm việc thành thạo trên công cụ đám mây vào năm 2025.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.