(Tổ Quốc) - "Năm 2022, Garmin sẽ tập trung phát triển các dòng sản phẩm phân khúc cao cấp, đáp ứng các tiêu chí về tính năng hỗ trợ thể thao, theo dõi sức khoẻ... Nền kinh tế đang trên đà phục hồi và mối quan tâm đến sức khoẻ, luyện tập thể thao tăng cao sau đại dịch kỳ vọng sẽ mang đến những kết quả tích cực cho Garmin Việt Nam".
Tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 bất chấp đại dịch, Việt Nam được xác định là thị trường trọng điểm của Garmin trong thời gian tới. Đó là chia sẻ của ông Scoppen Lin – Phó Tổng Giám đốc Garmin châu Á – tại buổi trò chuyện mới đây.
Garmin Việt Nam tăng trưởng 66% trong năm 2021
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự gián đoạn và thách thức trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt. Tuy nhiên, Garmin khu vực châu Á Thái Bình Dương vẫn ghi nhận con số tăng trưởng doanh thu 21% do nhu cầu tăng cao mạnh mẽ trong việc sử dụng những thiết bị theo dõi sức khoẻ cũng như tập luyện thể thao trong thời gian này.
Ở thị trường Việt Nam, kết quả kinh doanh của Garmin ghi nhận tốt hơn so với kết quả chung của khu vực, mức tăng trưởng năm 2021 lên đến 66% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào nhu cầu tăng cao của việc sử dụng các thiết bị đeo thông minh trong việc theo dõi sức khoẻ và tăng cường tập luyện. Trong tất cả phân khúc thì Fitness (đồng hồ thể thao) và Wellness (đồ hồ theo dõi và chăm sóc sức khoẻ) đạt mức tăng trưởng cao nhất trong quý 3 và quý 4 của năm 2021.
Tỷ lệ khách hàng mới của Garmin Việt Nam năm qua cũng tăng trưởng lên đến 50% so với năm trước. Sự gia tăng bứt phá này đến từ xu hướng chuyển đổi từ đồng hồ kim analog truyền thống sang đồng hồ thông minh của người dùng trong nước, vừa sử dụng các tính năng công nghệ hỗ trợ cho cuộc sống hiện đại, vừa theo dõi sức khoẻ và luyện tập thể thao.
"Với tiềm năng trên, Garmin đã mở rộng quy mô kinh doanh của mình tại thị trường Việt Nam: đầu năm 2021 chúng tôi thành lập văn phòng đại diện và cửa hàng thương hiệu đầu tiên tại Hà Nội, đến năm 2022 Garmin đã khai trương 2 cửa hàng thương hiệu tại Tp.HCM. Sắp tới, trong tháng 6 Garmin sẽ khai trương thêm 1 cửa hàng thương hiệu nữa tại Hà Nội, nâng tổng số lượng cửa hàng tại Việt Nam lên là "4". Bên cạnh số lượng cửa hàng thương hiệu, Garmin còn có đội ngũ nhân sự phụ trách từng chuyên môn riêng biệt, nhằm đem đến trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho người dùng Việt Nam", ông nói.
Trong đó, Hà Nội và Tp.HCM là hai thành phố Garmin phát triển điểm bán hàng và kênh phân phối mạnh mẽ nhất. Năm 2021, Garmin đã mở rộng số lượng 300 điểm bán trực tiếp trên toàn quốc, gấp 3 lần số điểm bán kể từ thời điểm gia nhập thị trường Việt Nam năm 2020. Số lượng kênh phân phối rộng khắp cũng đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng doanh thu của Garmin trong 2021.
Ông Scoppen Lin – Phó Tổng Giám đốc Garmin châu Á.
Người dùng Việt Nam đứng thứ 8 về mức độ hoạt động chạy bộ trong khu vực
Được biết, xu hướng chạy bộ ở Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển sau đại dịch. Theo báo cáo Dữ liệu Sức khỏe Người dùng Châu Á năm 2021 của Garmin, người dùng Việt Nam đứng thứ 8 về mức độ hoạt động chạy bộ trong khu vực. Hơn nữa, người dùng Việt Nam ngày càng có xu hướng chuyển từ đồng hồ analog truyền thống sang đồng hồ thông minh nhờ sự tiên tiến và tiện lợi của sản phẩm trong cuộc sống hiện đại hằng ngày.
Theo báo cáo của IDC 2021, doanh số thị trường thiết bị đeo thông minh Việt Nam tăng 4%, trong đó thị phần Garmin đứng thứ 2 trong số các thương hiệu khác, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường trọng điểm của Garmin châu Á.
Và tầm nhìn của Garmin không chỉ truyền cảm hứng cho người dùng có lối sống khoẻ mạnh và năng động, mà Garmin còn hướng đến việc tạo nên thói quen, hành vi về việc tập thể thao để nâng cao sức khoẻ. Từ dòng sản phẩm làm nên tên tuổi của Garmin là dòng Forerunner, môn thể thao chạy bộ cũng là môn thể thao cốt lõi của Garmin, tuy nhiên việc kết nối nhiều người cùng tham gia chạy bộ cũng là điều không dễ dàng.
Chia sẻ về định hướng phát triển kinh doanh của Garmin tại Việt Nam sắp tới: "Năm 2022, Garmin sẽ tập trung phát triển các dòng sản phẩm phân khúc cao cấp, đáp ứng các tiêu chí về tính năng hỗ trợ thể thao, theo dõi sức khoẻ... Nền kinh tế đang trên đà phục hồi và mối quan tâm đến sức khoẻ, luyện tập thể thao tăng cao sau đại dịch kỳ vọng sẽ mang đến những kết quả tích cực cho Garmin Việt Nam", đại diện nhấn mạnh.
Nền tảng TMĐT là lời cam kết của Garmin cho những nỗ lực đầu tư lâu dài tại Việt Nam
Mặt khác, người tiêu dùng cũng bắt đầu có những thay đổi trong hành vi mua sắm sang thương mại điện tử để nâng cao trải nghiệm mua sắm. Trong tương lai, mọi người sẽ mua đồng hồ thông minh nhiều hơn trên thương mại điện tử với sự hiện diện của phần lớn các thương hiệu công nghệ trên nền tảng này.
Ghi nhận bởi Facebook và Bain & Company, Đông Nam Á là thị trường dẫn đầu về chuyển đổi kỹ thuật số ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia hoạt động tốt nhất. Đến cuối năm 2021, Việt Nam có 53 triệu khách hàng có sử dụng Internet trên nền tảng kỹ thuật số, với 53% trong số họ sử dụng ví điện tử để thanh toán trực tuyến.
Theo đó, Garmin mới đây cũng đã thành lập nền tảng mua sắm trực tuyến của riêng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng. "Sự hiện diện của cửa hàng trực tuyến này cũng là một lời cam kết của Garmin cho những nỗ lực đầu tư lâu dài của Garmin ở Việt Nam bằng cách mở rộng phạm vi phủ sóng của kênh bán hàng từ ngoại tuyến (GBS) sang trực tuyến (GEC).
Ngoài ra, GEC là nền tảng được vận hành khép kín và được quản lý hoàn toàn bởi Garmin từ khâu bán hàng đến khâu hậu mãi, giúp khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, thuận tiện với đầy đủ các dòng sản phẩm cho tới phụ kiện thuộc hệ sinh thái Garmin và tiêu chuẩn dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp. Nền tảng này cũng là nơi chúng tôi có thể ra mắt các sản phẩm, và ưu đãi độc quyền với số lượng có hạn cho người dùng Việt Nam, ví dụ như: Cân thông minh Index S2, Instinct 2 One Piece,.. mới ra mắt gần đây", Tổng Giám đốc cho biết.
Dù vậy, theo vị này thị trường e-commerce của Garmin tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa thể so sánh về độ phát triển mạnh mẽ như thị trường của Garmin ở các nước khác. Vì Garmin tại Việt Nam cũng mới vừa bắt đầu hợp tác với các nền tảng e-commerce như Tiki, Shopee… hay cũng như vừa ra mắt cửa hàng trực tuyến Garmin.com nên % thị phần e-commerce của Garmin tại Việt Nam chưa cao, dưới 20%.
Nhưng, đó cũng được lý giải một phần nằm ở thói quen và hành vi của người tiêu dùng, người Việt vẫn chuộng cảm nhận trải nghiệm sản phẩm và mua sản phẩm trực tiếp hơn nên cũng cần thêm thời gian để người tiêu dùng hiểu hơn và quen hơn với Garmin theo hình thức mua sắm trực tuyến.
"Tôi muốn chia sẻ một ví dụ: trước khi tôi mua chiếc điện thoại Iphone đầu tiên, tôi cũng đã tìm hiểu và mua qua một cửa hàng uy tín, cửa hàng bán lẻ trực tiếp. Và sau một thời gian sử dụng thì tôi đã biết được các chính sách, biết được thương hiệu này là ai, hỗ trợ người dùng thì tôi cảm thấy thương hiệu này đáng tin và hoàn toàn tin tưởng để mua sắm sản phẩm tiếp theo trên nền tảng trực tuyến. Từ đó có thể thấy thói quen của người dùng có thể thay đổi theo thời gian vì thế Garmin cần thêm thời gian để người tiêu dùng hiểu hơn về Garmin, những công nghệ mà Garmin mang đến và những dịch vụ Garmin mang đến và chúng tôi hoàn toàn có thể tin tưởng được rằng trong thời gian tới thì e-commerce của Garmin hoàn toàn có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ", ông chốt lời.
Bảo An