(Tổ Quốc) - Quỹ Di sản (Heritage Foundation) công bố Chỉ số Tự do Kinh tế thường niên để đánh giá mức độ tự do kinh tế ở 178 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kể từ khi cuộc khảo sát của think tank này bắt đầu được thực hiện từ năm 1995 đến nay, chưa có nền kinh tế nào có quy mô tương đương nâng được mức độ tự do kinh tế nhanh chóng như Việt Nam.
Chỉ số Tự do Kinh tế sử dụng 12 tiêu chí để đo lường mức độ tự do kinh tế. Các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng bao gồm Singapore, New Zealand, Australia và Thụy Sĩ. Trong khi đó, Cuba, Venezuela và Triều Tiên xếp ở những vị trí cuối cùng.
Điểm số gần đây nhất của Việt Nam là 61,7, tăng 2,9 điểm so với năm trước. Điều này đưa Việt Nam vào danh sách nhóm nền kinh tế "tự do kinh tế vừa phải" lần đầu tiên trong lịch sử.
"Việt Nam đã thành công vượt bậc" - Tạp chí The National Interest của Mỹ nhận định.
Việc Việt Nam đứng thứ 90 trong số 178 nền kinh tế có thể không quá giật gân. Nhưng khi đánh giá triển vọng kinh tế của một quốc gia hay vùng lãnh thổ, điều quan trọng không phải là quốc gia đó hiện đang đứng ở đâu trong bảng xếp hạng, mà là thứ hạng của họ đó đã phát triển như thế nào theo thời gian.
Và ở khía cạnh này, Việt Nam đã thành công vượt bậc. Thời điểm Quỹ Di sản công bố chỉ số này lần đầu tiên vào năm 1995, Việt Nam chỉ 41,7 điểm. Đến năm 2005, con số này đã tăng lên 48,1 điểm và vào năm 2010 tiếp tục tăng lên 49,8 điểm. Điều đáng chú ý là sự gia tăng đáng kể về tự do kinh tế kể từ năm 2015, khi Việt Nam được chấm 51,7. Kể từ đó, Việt Nam đã ghi thêm 10 điểm nữa để đạt 61,7 điểm hiện nay - tăng 20 điểm kể từ năm 1995!
Để so sánh, Hoa Kỳ đạt 76,7 điểm vào năm 1995 và đã giảm nhẹ xuống 74,8 điểm vào năm 2021. Ý và Pháp hầu như không đạt được tiến bộ nào về tự do kinh tế trong 25 năm, đạt lần lượt 61,2 điểm và 64,4 điểm vào năm 1995 và 64,9 điểm. và 65,7 điểm ngày hôm nay.
Chỉ có 5 nền kinh tế trên thế giới - tất cả đều có quy mô kinh tế nhỏ hơn nhiều và không thể so sánh trực tiếp - có thành tích tốt hơn Việt Nam trong 25 năm qua: Moldavia, Bulgaria, Belarus, Romania và Angola.
Trong khi sự gia tăng tự do kinh tế đi cùng với tăng trưởng kinh tế và mức sống cao hơn - như ví dụ của Việt Nam đã khẳng định - sự giảm tự do kinh tế sẽ khiến chất lượng cuộc sống giảm sút.
Điều này được minh họa bằng ví dụ Venezuela. Trong khi Việt Nam đang từng bước phát triển từ nền kinh tế nhà nước sang nền kinh tế thị trường, thì Venezuela lại đi theo hướng ngược lại - từ nền kinh tế thị trường sang nền kinh tế nhà nước.
Năm 1995, điểm số của Venezuela là 59,8 điểm. Ngay sau đó, vào năm 1999, Hugo Chavéz lên nắm quyền, bắt tay vào một chương trình quốc hữu hóa và kiểm soát giá cả, ngày càng hạn chế quyền tự do kinh tế. Kết quả? Trong bảng xếp hạng của Quỹ Di sản năm 2021, Venezuela chỉ đạt 24,7 điểm.
Điều này có nghĩa là so cùng kỳ, số điểm của Việt Nam tăng 20 điểm, trong khi Venezuela giảm gần 36 điểm! Và khi mức sống ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong 25 năm qua, mức sống của người dân Venezuela lại giảm đáng kể.
Sự phát triển kinh tế của Việt Nam bắt đầu từ năm 1986 với việc khởi động cải cách "Đổi Mới", chuyển Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường nhiều hơn. GDP của Việt Nam tăng trưởng trung bình 6,7% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2020.
Tỷ lệ chi tiêu của chính phủ trên GDP cũng rất khả quan - và thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nước phương Tây. Ví dụ ở Hoa Kỳ, chi tiêu của chính phủ lên tới 35,7% GDP vào năm 2019, so với chỉ 29,1% ở Việt Nam trong cùng năm.
Thái Quỳnh