Tập đoàn lớn tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn, truyền cảm hứng đến cộng đồng doanh nghiệp

(Tổ Quốc) - Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển, đồng thời là đối tượng thụ hưởng lợi ích thiết thực nhất từ mô hình kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy, các tập đoàn lớn đi đầu là nhân tố rất quan trọng trong việc thúc đẩy, truyền cảm hứng cho các thành phần trong nền kinh tế chuyển đổi sang mô hình kinh tế sáng tạo, văn minh và bền vững này.
Tập đoàn lớn tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn, truyền cảm hứng đến cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh 1.

Công ty Tân Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp tiên phong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

35 năm đổi mới và hội nhập đã biến Việt Nam trở thành một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, xã hội trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.

Mỗi năm, nền kinh tế thải ra khoảng 1,83 triệu tấn chất thải nhựa, chất thải rắn sinh hoạt khoảng hơn 61.000 tấn/ngày, trong đó, 71% tổng lượng chất thải đang được chôn lấp, nhiều tài nguyên đang suy giảm nghiêm trọng, tiêu biểu là than đá, đã phải nhập khẩu từ năm 2015 và năm 2030 dự báo sẽ phải nhập khoảng 100 triệu tấn.

Mặt khác, Việt Nam đang là một quốc gia có tốc độ cao trong việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là với các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hầu hết, các hiệp định này đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải, chất thải, khí thải. 

Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên cũng tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, làm gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động và doanh thu, đình trệ vận tải và phân phối hàng hóa, tăng chi phí và giá thành sản phẩm.

Đó chính là những vấn đề thúc đẩy Việt Nam phải tăng tốc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững đã được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Đề án "Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg đã xác định, cần tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân và cộng đồng xã hội.

Doanh nghiệp phải là "nòng cốt" cho chuyển đổi xanh

Hiện nay, Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, giấy, rác thải nhựa, mô hình sản xuất sạch hơn. Tuy nhiên, những mô hình này mới chỉ được triển khai ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Trong ấn phẩm Kinh tế tuần hoàn và Những mô hình tiên phong, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành, Khối dịch vụ Nghiên cứu thị trường và tư vấn của Fiin Group đưa ra ví dụ về rác thải nhựa, hàng năm, Việt Nam đang tạo ra khoảng 3,2 triệu tấn rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa này đang gia tăng với tốc độ khoảng trên 10%/năm. 75% số rác thải này chưa được thu gom, tái chế và hiện đang bị chôn lấp, đốt bỏ hoặc xả thải ra môi trường. 

Việt Nam đang tạo ra khoảng 3,2 triệu tấn rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa này đang gia tăng với tốc độ khoảng trên 10%/năm. 75% số rác thải này chưa được thu gom, tái chế và hiện đang bị chôn lấp, đốt bỏ hoặc xả thải ra môi trường.

Theo một báo cáo gần đây của World Bank, lượng rác thải nhựa không được tái chế này có giá trị khoảng 2,2-2,7 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam hàng năm đang phải chi ra khoảng 8,6 tỷ USD để nhập khẩu hạt nhựa nguyên sinh và rác thải nhụa phục vụ cho hoạt động sản xuất trong nước. Vì vậy, có thể nói là rác thải nhựa được đánh giá là một nguồn tài nguyên chưa được khai thác sử dụng tối ưu ở Việt Nam.

Về hoạt động tái chế rác thải nhựa trong nước, phần lớn các công ty trong ngành đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hạt nhựa tái chế sản xuất ra chủ yếu có chất lượng thấp; phần lớn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (chiếm 90% đầu ra), một số được sử dụng để sản xuất các sản phẩm nhựa chất lượng thấp như túi rác, bàn ghế, dây nilon, hạt nhựa, pallet… Phần lớn hạt nhựa tái chế có chất lượng cao đều phải nhập khẩu để sản xuất ra bao bì thực phẩm, hàng dệt may.

Với cách tiếp cận cho rằng rác thải nhựa là một nguồn tài nguyên, đề án Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được Thủ tướng thông qua vào giữa năm 2022, đã đặt ra một mục tiêu quan trọng là đến năm 2025 sẽ tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển. Mục tiêu năm 2030 là tỷ lệ thu gom, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 50%, rác hữu cơ ở đô thị là 100% và ở nông thôn là 70%. 

Tập đoàn lớn tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn, truyền cảm hứng đến cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh 3.

Tuy nhiên, lộ trình xây dựng còn rất dài và cần nhiều bên cùng tham gia. Việc giảm rác thải nhựa nói chung cần sự triển khai đồng bộ và nhất quán từ cả phía Chính phủ, các công ty sử dụng bao bì và cả người tiêu dùng.

Trong khi đó, doanh nghiệp là đối tượng nòng cốt, trọng tâm trong mọi hoạt động phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, và trong kinh tế tuần hoàn cũng không ngoại lệ. 

GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng trực tiếp tham gia, chuyển đổi các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững.

Tập đoàn lớn tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn, truyền cảm hứng đến cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh 4.

GS. TSKH Nguyễn Mại phát biểu tại sự kiện ra mắt ấn phẩm "Kinh tế tuần hoàn và Những mô hình tiên phong".

Quote: Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng trực tiếp tham gia, chuyển đổi các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu.

GS.TSKH Nguyễn Mại

Nhưng ngược lại, áp dụng mô hình này, doanh nghiệp cũng phải chấp nhận nhiều thử thách, đòi hỏi quá trình nỗ lực bền bỉ. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi doanh nghiệp có những bước đột phá về công nghệ, đặc biệt là công nghệ cho việc tái sử dụng và tái chế chất thải. Doanh nghiệp sẽ phải tập trung đầu tư máy móc, công nghệ cao, hiện đại, phù hợp với quy trình sản xuất hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Bên cạnh đó, việc tái chế nguyên liệu yêu cầu công nghệ mới, nên lao động cũng cần được đào tạo, có tay nghề cao…

Vì vậy, áp dụng kinh tế tuần hoàn cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chấp nhận đương đầu với rất nhiều thách thức, một cách bền bỉ.

Câu chuyện của doanh nghiệp 10 năm theo đổi kinh tế tuần hoàn

Gần đây, có nhiều mô hình doanh nghiệp hướng đến kinh tế tuần hoàn đã và đang phát triển ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, do các doanh nghiệp tự thực hiện hoặc thông qua tham gia các dự án được hỗ trợ.

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất nước giải khát Việt Nam luôn đặt giá trị cốt lõi "Có trách nhiệm với cộng đồng xã hội" lên hàng đầu, Công ty Tân Hiệp Phát đã tiên phong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn từ năm 2013 và kiên trì theo đuổi suốt 10 năm.

Từ năm 2013, Tân Hiệp Phát đã thực hiện một số sáng kiến làm giảm lượng nhựa sử dụng bằng cách đổi mới thiết kế chai nhẹ hơn và sử dụng nhãn, màng đóng lốc mỏng hơn... Mục đích tổng thể là giảm lượng nhựa nguyên sinh có nguồn gốc từ dầu mỏ như nhựa PE và PET trong các quy trình sản xuất của mình. Với việc đầu tư vào công nghệ Aseptic, doanh nghiệp cũng có thể giảm hao hụt trong quá trình sản xuất và giảm cả điện và nước sử dụng. 

Tập đoàn lớn tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn, truyền cảm hứng đến cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh 5.

Giai đoạn 2013 - 2018, Tân Hiệp Phát đã cắt giảm được 34.000 tấn rác thải nhựa và trong 4 năm từ 2019 - 2023, con số tiết kiệm được là 44.000 tấn.

Tân Hiệp Phát cũng tập trung vào chiến lược 3R (Reducing waste - Giảm thiểu chất thải, Reusing- Tái sử dụng, Recycling – Tái chế) trong suốt 10 năm, và đã nhận thấy một số lợi ích đáng kể, cả trong việc đạt được các mục tiêu kinh tế tuần hoàn và các lợi ích kinh tế cụ thể: Giai đoạn 2013 - 2018, Tân Hiệp Phát đã cắt giảm được 34.000 tấn rác thải nhựa và trong 4 năm từ 2019 - 2023, con số tiết kiệm được là 44.000 tấn.

Như vậy 9 năm qua, tổng cộng 78.000 tấn đã được cắt giảm. Các tính toán cho thấy mức giảm mà Công ty đã đạt được trong việc sử dụng vật liệu nhựa nguyên sinh có nguồn gốc từ dầu mỏ tương đương với việc giảm hơn 147.420 khí nhà kính trong 9 năm qua.

Chất lượng nhựa mà Tân Hiệp Phát tự sản xuất từ các dây chuyền tái chế hiện đáp ứng các tiêu chuẩn nội bộ mà Công ty đưa ra và Tân Hiệp Phát cũng có thể thương mại hóa một số sản phẩm của mình bao gồm pallet nhựa và hạt nhựa tái chế. Điều này mang lại cho Tân Hiệp Phát cơ hội không chỉ đạt được nền kinh tế tuần hoàn trong phạm vi Công ty mà còn hỗ trợ các công ty khác đạt được mục tiêu kinh tế tuần hoàn của riêng họ.

Quote: Thông qua mô hình 3R, Tân Hiệp phát đang góp phần phát triển và hội nhập nền kinh tế tuần hoàn mà còn tạo cơ hội gắn kết với các đối tác, các đơn vị sản xuất trong và ngoài nước cùng tham gia để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Như thế, thông qua mô hình 3R, Tân Hiệp phát đang góp phần phát triển và hội nhập nền kinh tế tuần hoàn mà còn tạo cơ hội gắn kết với các đối tác, các đơn vị sản xuất trong và ngoài nước cùng tham gia để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong tương lai, Công ty không chỉ đặt mục tiêu cắt giảm hơn 112 nghìn tấn nhựa vào năm 2027, mà còn chung tay cùng các doanh nghiệp tái chế nhựa khác.

Tân Hiệp Phát cũng liên tục truyền thông tới cộng đồng và các bên liên quan về lợi ích và tính bền vững của nền kinh tế tuần hoàn, để giúp mọi người hiểu rằng, tất cả các ý tưởng lớn đều bắt đầu từ bắt đầu từ những bước nhỏ, và mỗi người đều có thể góp phần tạo ra sự khác biệt.

Ông David Riddle, Lãnh đạo Tân Hiệp Phát đánh giá: "Kinh tế tuần hoàn là một chủ đề quan trọng đối với tất cả chúng ta. Hiện đang mở ra những cơ hội to lớn để các tập đoàn đa quốc gia, hay Tân Hiệp Phát và các thương hiệu nội địa khác học hỏi những bài học quý giá từ kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới".

Tập đoàn lớn tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn, truyền cảm hứng đến cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh 6.

Ông David Riddle, Lãnh đạo Tân Hiệp Phát chia sẻ kinh nghiệm triển khai kinh tế tuần hoàn tại Tân Hiệp Phát và đưa ra những đề xuất để phát triển mô hình này cho công đồng doanh nghiệp Việt Nam

Vị lãnh đạo này tin rằng, hành động khẩn cấp là cần thiết để tránh những thảm họa sẽ xảy ra mà chúng ta và thế hệ con cháu sẽ phải đối mặt nếu chúng ta không hành động nhanh chóng.

"Không làm gì không phải là một lựa chọn, và Tân Hiệp Phát cam kết đi đầu trong các sáng kiến này tại Việt Nam" - ông David Riddle khẳng định.

TH

Tin mới