(Tổ Quốc) - Ngày 25/7/2020, Tập đoàn Sơn Hà phối hợp với UBND huyện Đông Anh (TP.Hà Nội) tổ chức Lễ vận hành dự án thí điểm xử lý nước thải áp dụng công nghệ JOKASO Nhật Bản và GJR Hàn Quốc tại thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh.
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề... Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thực trạng này là việc xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, đem theo nhiều tạp chất làm ô nhiễm nguồn nước bề mặt và cả các nguồn nước ngầm.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, cả Thủ đô hiện chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải, đáp ứng được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% đang được xả thẳng ra môi trường.
Nguồn nước ô nhiễm là tác nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân và tác động tiêu cực đến tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.
Trước thực trạng này, Tập đoàn Sơn Hà xác định sẽ đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nước trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thay đổi thực trạng nguồn nước tại Việt Nam.
Theo ông Nhữ Văn Hoan, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Sơn Hà, ngoài các nhóm ngành truyền thống như gia dụng và ống thép công nghiệp, doanh nghiệp còn tập trung vào các nhóm ngành mới như năng lượng tái tạo và nước (gồm cung cấp nước sạch và xử lý nước thải)…
"Thời gian qua, Sơn Hà đã đến nhiều quốc gia phát triển để khảo sát các giải pháp và công nghệ xử lý nước thải tiên tiến. Sau quá trình nghiên cứu, Sơn Hà đã lựa chọn Jokaso - giải pháp xử lý nước thải tại nguồn không qua bể tự hoại áp dụng công nghệ Nhật Bản, phù hợp với quy mô vừa và nhỏ; và GJR - công nghệ xử lý nước thải tốc độ cao, lọc sạch nước trong thời gian ngắn, được phát triển bởi Viện Nghiên cứu nước TP Gyeongju (Hàn Quốc), phù hợp với quy mô lớn để tiếp tục phát triển và áp dụng tại Việt Nam", ông Hoan cho biết thêm.
Cũng theo ông Hoan, Đông Anh sẽ trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng công nghệ xử lý nước thải do Sơn Hà nghiên cứu và phát triển. Đây là bước thử nghiệm quan trọng trước khi Sơn Hà chính thức ra mắt hai công nghệ này vào cuối tháng 8.
"Trước khi vào Việt Nam, các công nghệ này đã được áp dụng rộng rãi ở Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới nhờ sở hữu những ưu điểm như thiết bị gọn, không tốn diện tích; vận hành tự động, có thể quản lý hoạt động của hệ thống qua thiết bị từ xa thông qua internet. Đặc biệt, chất lượng nước thải sau xử lý bằng hai công nghệ này đạt tiêu chuẩn cao, loại bỏ triệt để chất thải gây ôi nhiễm.
Trong đó, công nghệ GJR đã được nhận bằng Công Nghệ Xanh của Bộ Tài Nguyên Môi trường Hàn Quốc còn Jokaso cho chất lượng đạt chuẩn đầu ra của Nhật Bản. Khi áp dụng tại Việt Nam, Sơn Hà đảm bảo các công nghệ này có khả năng làm sạch nước sông Tô Lịch. Đây được coi là một bước tiến mới của Sơn Hà trong lĩnh vực nước", ông Hoan nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vừa diễn ra hồi tháng 6, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp trong năm 2020 là tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh.
Mục tiêu của Tập đoàn được Chủ tịch HĐQT khẳng định trước các cổ đông là sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu tốt từ mảng nước ngay từ cuối năm 2020 và những năm sau, trở thành một trong ba lĩnh vực đóng góp doanh thu lớn cho toàn Tập đoàn.
Sơn Hà hiện là một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam, đầu tư đa dạng trên các lĩnh vực: sản xuất và kinh doanh sản phẩm gia dụng và công nghiệp; khai thác, cung cấp nước sạch và xử lý nước thải; phát triển năng lượng sạch; bất động sản công nghiệp…
Sơn Hà sở hữu 13 công ty thành viên, 10 nhà máy trong nước và quốc tế, hơn 20.000 nhà phân phối và các chi nhánh tại nước ngoài.
Ánh Dương