(Tổ Quốc) - VEPR vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3/2020 với nhiều tín hiệu lạc quan trong việc khôi phục nền kinh tế. Trong đó, thặng dư thương mại 9 tháng đầu năm của Việt Nam gây ấn tượng khi đạt 16,52 tỷ USD - đây là mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại.
Tính riêng quý 3/2020, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại 10,7 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước thâm hụt 1,08 tỷ USD, khu vực FDI thặng dư 11,8 tỷ USD. Sau khi giảm sâu trong quý 2, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý 3 của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt 79,74 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 33,9% so với quý II.
Trong đó, xuất khẩu chủ yếu đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 63% tổng kim ngạch, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù khu vực trong nước chiếm tỷ trọng xuất khẩu thấp hơn nhưng đã tăng đến 32% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo báo cáo, để đạt được mức tăng trưởng cao như vậy là nhờ vào Hiệp định EVFTA (có hiệu lực từ ngày 1/8/2020). Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang EU trong quý 3 như điện tử máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, thủy sản. So với cùng kỳ năm 2019, mặt hàng điện tử máy tính và linh kiện đạt 12,72 tỷ USD, tăng 26,4%; hàng dệt may đạt 8,98 tỷ USD, giảm 6,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 7,78 tỷ USD, tăng 62,8%.
Cùng với đó, tổng kim ngạch nhập khẩu quý 3 ước tính đạt 69,02 tỷ USD, tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước và tăng 19,34% so với quý II/2020. Nhập khẩu của khu vực trong nước tăng, chiếm đến 45% kim ngạch. Trong 9 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 54,74 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 57,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ vào thặng dư thương mại cao, tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã tăng mức dự trữ ngoại hối thêm 13 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đến nay tăng vượt ngưỡng 92 tỷ USD. Báo cáo đánh giá, đây là "mức kỷ lục" hướng tới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong tình hình bất ổn do Covid-19. Theo đó, tỷ giá VND/USD có thể tiếp tục giữ mức ổn định cho tới cuối năm 2020.
Cuối cùng, VEPR nhận định, Việt Nam đang có nhiều triển vọng về thương mại quốc tế khi mà các quốc gia khác trên thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Điều này sẽ là động lực để thúc đẩy hơn nữa quá trình khôi phục kinh tế nước ta vào những tháng cuối năm.
Hoài Thương