(Tổ Quốc) - Khi còn trẻ, còn khỏe và còn đủ sức để gánh chịu rủi ro, hãy tranh thủ đầu tư thật nhiều. Đây là một trong những suy nghĩ của Paul Rawson và giúp anh trở thành triệu phú ở tuổi 32 tuổi.
Bỏ học đại học, chàng trai trở thành triệu phú ở tuổi 32 với 4 quy tắc tài chính mà ai cũng nên biết
Khi còn trẻ, còn khỏe và còn đủ sức để gánh chịu rủi ro, hãy tranh thủ đầu tư thật nhiều. Đây là một trong những suy nghĩ của Paul Rawson và giúp anh trở thành triệu phú ở tuổi 32 tuổi.
Paul Rawson đã có thể trở thành một triệu phú ở tuổi 32 tuổi, nhưng không phải nhân vật nhà giàu điển hình trong suy nghĩ của mọi người. Anh ấy không học hết đại học, làm việc nhiều giờ và là một người đi làm thuê chứ không phải doanh nhân tự khởi nghiệp.
Nhưng với chiến lược thông minh, cộng với sự chăm chỉ vốn có, anh ấy có tích lũy được khối tài sản ròng lên tới 1,6 triệu đô la Mỹ.
Từ một người chỉ phụ giúp gia đình đi sửa chữa máy tính dạo, sau đó làm công ăn lương mà có thể trở thành triệu phú? Các giải pháp của anh bao gồm đầu tư kết hợp với tiết kiệm một cách hiệu quả.
1. Tranh thủ còn trẻ để đầu tư thật sớm, thật nhiều
Xuất phát điểm của Paul Lawson cũng giống như nhiều người khác. Anh ấy bắt đầu bằng một công việc dịch vụ, chăm sóc khách hàng với mức lương thấp. Tất cả công việc chỉ là khởi động lại máy tính và thỉnh thoảng nhận vài cuộc gọi điện thoại.
Dù thu nhập gần bằng mức lương tối thiểu, nhưng anh ấy vẫn tâm niệm một điều, đó là đầu tư. Thật trùng hợp, sau khi nhảy việc, người sếp tiếp theo đã xét duyệt cho anh một khoản trợ cấp hưu trí tư nhân hào phóng, coi như khen thưởng cho những nhân viên xuất sắc và chăm chỉ nổi bật của công ty.
Paul Lawson đã tận dụng chính số tiền này để bắt đầu đầu tư. Anh cho rằng, mình phải có kế hoạch đầu tư càng sớm càng tốt vì ở giai đoạn 20 hoặc 30 tuổi, chúng ta hoàn toàn có thể chịu rủi ro cao hơn nhiều so với khi về già.
Paul Lawson cho rằng nên có kế hoạch đầu tư càng sớm càng tốt vì ở giai đoạn 20 hoặc 30 tuổi, mọi người có khả năng gánh chịu rủi ro tốt hơn. Ảnh: linkedin
Các khoản đầu tư của Lawson rất đa dạng. Anh có 3 bất động sản ở California (liên doanh với người khác), một số cổ phần Tesla, quỹ chỉ số công nghệ của anh chiếm 40%, quỹ vốn nhỏ 40%, và 20% dùng để mua những gì mình ưa thích.
Anh khuyến nghị những người mới bắt đầu thị trường chứng khoán có thể tiếp cận những quỹ đầu tư chi phí thấp, ít rủi ro.
Nhờ có chiến lược đầu tư thích hợp, Paul Lawson dần dần tích lũy một khoản tiền lời kha khá. Khoản đầu tư bất động sản ở California mà anh đồng sở hữu với những người khác hiện mang lại lợi nhuận cá nhân vào khoảng 650.000 đô la. Bên cạnh đó, quỹ hưu trí của anh là 320.000 đô la, lợi nhuận đầu tư cổ phiếu vào khoảng 360.000 đô la và lợi nhuận đầu tư cá nhân khoảng 270.000 đô la.
2. Tận dụng nguồn tiền rảnh rỗi để “tiền đẻ ra tiền”
Lawson đã tận dụng số tiền trong quỹ hưu trí của mình vào năm 2014 để đầu tư vào bất động sản. Vào thời điểm đó, thị trường chứng khoán không phát triển quá nhanh, vì vậy anh nhanh chóng quyết định hợp tác với một vài người đáng tin cậy, góp tiền để mua một bất động sản cho thuê.
Giá trị của căn nhà đó đã tăng gấp nhiều lần kể từ năm 2014, từ 63.500 USD lên 165.000 USD. Chưa kể, ngôi nhà còn thường xuyên được cho thuê, đem lại một khoản thu vào đều đặn, ổn định hàng tháng cho anh.
Đừng để các khoản tài chính rảnh rỗi “chết” một chỗ mà nên tận dụng để “tiền đẻ ra tiền”. Ảnh: Entrepreneur
3. Không cần lập kế hoạch ngân sách quá cứng nhắc
Không biết những người khác áp dụng sẽ đem tới hiệu quả như thế nào nhưng nguyên tắc tài chính này đã giúp Paul Lawson phân chia thu - chi tốt hơn.
Đối với Lawson, có ngân sách nghĩa là bạn sẽ thỏa thích tiêu hết chỗ ngân sách đó mỗi tháng. Nhưng Lawson không thích tiêu tiền, vì vậy ngay cả khi không lập ra một khoản ngân sách hàng tháng cho mình, anh ấy cũng sẽ không tiêu xài bừa bãi.
Lawson có thói quen chỉ chi tiền cho những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày và liên lạc qua điện thoại di động. Hiện nay, khi các ứng dụng cho phép gọi điện miễn phí, một phần cước viễn thông của anh được tiết kiệm đáng kể.
4. Làm việc chăm chỉ để nhận được kết quả tương xứng
Paul Lawson làm việc cho một công ty nổi tiếng với doanh thu cao, áp lực khá lớn, thường xuyên phải tăng ca làm thêm nhưng cũng vì thế mà các nhân viên của công ty được trả lương cao hơn. Những nỗ lực bỏ ra đều nhận được kết quả tương xứng. Điều này khiến anh sẵn sàng cống hiến cho công việc để giành được sự ghi nhận của cấp trên.
Vì thế, chỉ trong một năm rưỡi sau khi gia nhập công ty, Lawson đã được thăng chức ba lần và nhận hơn 350.000 đô la tiền thưởng. Anh ấy làm việc chăm chỉ và sẵn sàng nhận thêm công việc.
Ở tuổi 32, Paul Lawson đã tích lũy được cho mình một gia tài nho nhỏ, đủ để đạt đến mức tự do tài chính cho dù có nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, anh cho biết, mình chưa sẵn sàng và thậm chí chưa nghĩ tới việc nghỉ hưu, vì công việc mới là niềm đam mê của anh ấy.
Tuy nhiên, do đã dư dả hơn về mặt tài chính nên anh cũng cân nhắc giảm bớt giờ làm việc của mình. Điều này không chỉ đem tới sự thảnh thơi, thoải mái hơn cho cuộc sống, mà còn vì sức khỏe lâu dài.
*Nguồn: BI
Thuý Phương