(Tổ Quốc) - Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch. Trong đó, 2 thành phố trực thuộc TW giải ngân vốn đầu tư công trên 20% trong 4 tháng đầu năm 2023.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2023 là 110.633,6 tỷ đồng, đạt 14,66% kế hoạch (đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 17,09% kế hoạch và đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, vốn trong nước là 108.877,97 tỷ đồng (đạt 14,98% kế hoạch và đạt 16,03% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vốn nước ngoài là 1.755,6 tỷ đồng (đạt 6,28% kế hoạch).
Tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%); trong đó vốn trong nước đạt 16,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,57%), vốn nước ngoài đạt 6,28% (cùng kỳ năm 2022 đạt 3,25%).
Có 3 Bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (38,3%), Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%).
Có 47/52 Bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.
Xét riêng 5 thành phố trực thuộc TW, Hải Phòng đang có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao nhất (22,97%), tiếp đến là Cần Thơ (21,26%), Hà Nội (15,29%), Đà Nẵng (5,33%) và TP. HCM (3,48%).
Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng, Hải Phòng xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vừa là yêu cầu mang tính cấp bách, vừa là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đó, Hải Phòng yêu cầu các Chủ đầu tư dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn ODA điều hành chủ động, linh hoạt, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được giao, gắn với đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác GPMB, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm của thành phố để đảm bảo tiến độ dự án. Chủ động đề xuất điều chuyển vốn giữa các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, cần bổ sung vốn. Lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu; lựa chọn hình thức Hợp đồng phù hợp theo quy định, không để tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá đối với Hợp đồng trọn gói.
Bên cạnh đó, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và nghiêm túc thực hiện kế hoạch theo từng tháng, quý. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, theo dõi, giám sát tiến độ dự án đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Đối với các Chủ đầu tư có kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 dưới mức bình quân chung của thành phố, yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả để đẩy mạnh tình hình giải ngân trong thời gian tới.
Theo kết quả kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước thành phố Hải Phòng, đến hết ngày 20/4/2023, vốn giao kế hoạch năm 2023 giải ngân đạt 4.127,575 tỷ đồng, bằng 18,63% kế hoạch thành phố giao (22 156,828 tỷ đồng), bằng 30,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (13.403,337 tỷ đồng).
Trong đó; có 3 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng; 12 địa phương có kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của thành phố là: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh, An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và Bạch Long Vĩ.
Minh Tiến