(Tổ Quốc) - Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng đáng kể, đặc biệt sau dịch Covid-19 và dự báo sẽ ngày càng bùng nổ hơn bởi những tiện ích mang lại cho người sử dụng.
Chia sẻ tại buổi Họp báo Ngày thẻ Việt Nam do báo Tiền Phong phối hợp tổ chức với Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) hôm 6/4, ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT Napas cho biết, xu hướng thanh toán đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương thức điện tử thay thế cho tiền mặt. "Tiếp tục đà tăng trưởng trong 2 năm qua, trong Quý 1.2022, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 89% về số giao dịch và 123% về giá trị so với Quý I.2021. Trong đó giao dịch rút tiền mặt qua ATM Quý I.2022 có xu hướng giảm (-9,6%) về số lượng và (-8,8%) về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2021." – Ông Hưng minh chứng bằng loạt các con số biết nói.
Lý giải về xu hướng chuyển dịch thói quen tiêu dùng này, ông Hưng cho rằng đại dịch Covid - 19 kéo dài hơn 2 năm qua chính là cú hích thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán số. Theo đó, người dân có xu hướng chuyển sang hình thức giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng thanh toán trực tuyến (online) lên ngôi. Bên cạnh những lợi ích như nhanh chóng, chính xác, tiện lợi của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng còn cảm nhận được sự an toàn, tránh nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 khi các tiếp xúc vật lý giờ đây không cần thiết nữa.
Nắm bắt được xu hướng này, ông Hưng cũng cho biết thêm: "Trong thời gian qua, Napas cùng với các Ngân hàng thành viên, đối tác đã giới thiệu và triển khai các sản phẩm thẻ chip thanh toán không tiếp xúc (contactless) đa ứng dụng, bên cạnh việc sử dụng rộng rãi tại các điểm chấp nhận thanh toán (cửa hàng, quán ăn, siêu thị,...) còn sử dụng thanh toán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; thanh toán giao thông trên các tuyến xe buýt điện của Vinbus tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh."
Bên cạnh đó, để đáp ứng xu hướng thanh toán di động ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngành Ngân hàng cũng đã cho ra mắt thương hiệu VietQR với khả năng kết nối, liên thông các Ngân hàng thành viên, Trung gian thanh toán, các đối tác thanh toán tại Việt Nam và quốc tế của NAPAS. VietQR là tiêu chuẩn mở cho phép bất cứ nhà phát triển ứng dụng nào hay đối tác có thể tích hợp trên ứng dụng hay trang thương mại điện tử hoặc bất cứ cá nhân nào có tài khoản ngân hàng/Ví điện tử có thể in ra mã QR cá nhân để chấp nhận thanh toán tại các hộ kinh doanh cá thể, cửa hàng nhỏ lẻ…
Cũng tại hội thảo, ông Hưng chia sẻ, Napas và các ngân hàng, các đối tác công nghệ sẽ tiếp tục giới thiệu các giải pháp thanh toán số mới nhất hiện nay qua đó truyền cảm hứng cho giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước về thói quen sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần mang lại những lợi ích lâu dài cho xã hội và nền kinh tế số, cũng như thực hiện mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia.
Có thể thấy, công nghệ đang dịch chuyển để đáp ứng những xu hướng tiêu dùng mới của mọi người. Bởi vậy những con số ghi nhận thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua vô cùng ấn tượng. Điều này cho thấy sự thay đổi về mặt nhận thức của người tiêu dùng để thích nghi với thời đại mới.
Thảo Linh