The ASEAN Post: 3 cơ sở giúp Việt Nam thay thế Indonesia, trở thành "đầu tàu" của ASEAN

(Tổ Quốc) - Theo The ASEAN Post, kể từ khi chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ năm 1995, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các chương trình nhằm thúc đẩy hòa bình, tự do và thịnh vượng trong khu vực. Đáng chú ý, Việt Nam hiện đang nỗ lực hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Việt Nam đã và đang đạt được những "bước tiến dài" với vai trò là một nhà lãnh đạo, đặc biệt với thành công trong công cuộc ứng phó với đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và những chính sách nhằm ổn định chính trị. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang đảm nhận tốt vai trò là nhà lãnh đạo mới của ASEAN.

Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng Indonesia là nhà lãnh đạo của ASEAN, dựa trên quy mô cũng như việc Indonesia là một trong những thành viên sáng lập của ASEAN. Tuy nhiên, Indonesia hiện đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19, cũng như những bất ổn chính trị từ luật Omnibus. Người dân Indonesia cho rằng, luật mới quá ưu ái đối với các doanh nghiệp, cũng như đã tước đi quyền lợi của người lao động.

Các chuyên gia nhận định, những yếu tố này đã khiến cho Indonesia không còn phù hợp với tư cách là nhà lãnh đạo khu vực.

Chính sách biến đổi khí hậu của Việt Nam

Ấn tượng hơn nữa, Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nhẹ biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Theo báo cáo Phát triển bền vững năm 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đã đạt được các mục tiêu về chương trình "Hành động vì khí hậu". Việt Nam đang đi trước nhiều quốc gia Đông Nam Á trong việc tập trung phát triển năng lượng tái tạo.

Báo cáo của McKinsey Insights 2019 với tiêu đề "Tương lai ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam" cho biết, Việt Nam có tiềm năng đặc biệt lớn trong việc khai thác năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

The ASEAN Post: 3 cơ sở giúp Việt Nam thay thế Indonesia, trở thành đầu tàu của ASEAN - Ảnh 1.

Nguồn: Oxford Economics/ Haver Analytics

Nền kinh tế có khả năng phục hồi mạnh mẽ

Ngay cả trong giai đoạn đầy tính bất định như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng phục hồi đáng kể. Bên cạnh đó, Việt Nam có khả năng thoát khỏi bẫy kinh tế của Covid-19 với 3 lý do:

Thứ nhất, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp giảm thuế, hoãn nộp thuế và tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp. Thứ hai, luật Đầu tư ở Việt Nam đã được sửa đổi nhiều lần theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư.

Cụ thể, luật mới đã giảm bớt thủ tục hành chính cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam. Kết quả, sau 4 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 12,33 tỷ USD. Nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của dòng vốn đầu tư, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế kỹ thuật số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Cuối cùng, hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức đi vào thực thi sẽ đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Đáng chú ý, tăng trưởng quý 3 của Việt Nam đạt 2,62%. dự kiến tăng trưởng cả năm sẽ đạt 2,9%.

Chính trị ổn định

Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định nhất khu vực Đông Nam Á. Thời gian vừa qua, các quốc gia thành viên ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Philippines đều đang phải đối mặt với những bất ổn chính trị cũng như hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tất cả những yếu tố này đã khiến cho Việt Nam là quốc gia phù hợp nhất với vị trí "đầu tàu" của ASEAN.

Q.L

Tin mới