(Tổ Quốc) - Các nhà quản lý kinh tế Philippines cho biết: "Chúng tôi lạc quan rằng, Philippines sẽ không chỉ phục hồi đến mức trước đại dịch vào năm 2022, mà còn đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao".
Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) báo cáo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Philippines tăng 5,6% trong năm 2021, vượt qua mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Quý 4/2021, GDP Philippines tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ.
Trong quý 4/2021, số ca Covid-19 tại quốc gia này giảm mạnh. Điều đó đã khuyến khích hầu hết các doanh nghiệp mở cửa kinh doanh trở lại, hết công suất.
Công nghiệp và dịch vụ đã tăng trưởng lần lượt 9,5% và 7,9% trong quý 4/2021, trong khi nông nghiệp nhích lên 1,4%, bất chấp cơn bão Odette (Rai) tấn công vào tháng 12. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, xây dựng và vận tải đều có mức tăng trưởng hai con số.
"Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với dự báo của hầu hết các nhà phân tích, khiến tốc độ tăng trưởng Philippines có khả năng sẽ nằm trong nhóm cao nhất trong khu vực. Điều này gửi một tín hiệu mạnh mẽ, rằng chúng tôi đang trên đà phục hồi nhanh chóng bất chấp ảnh hưởng của cơn bão Odette", Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Xã hội Karl Chua, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez III cho biết trong một tuyên bố chung.
Tăng trưởng GDP của Philippines năm 2021 cao hơn mức dự báo trung bình cho khu vực Đông Nam Á. Các nhà phân tích đã kỳ vọng tăng trưởng ở Đông Nam Á sẽ ổn định trong khoảng 1% đến 4%.
Các nhà quản lý kinh tế Philippines đặt mục tiêu GDP cả năm 2021 tăng trưởng từ 5% đến 5,5%. Năm 2020, GDP Philippines giảm 9,6% so với năm 2019. Philippines cũng đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng 7% đến 9% cho năm 2022.
Các nhà quản lý kinh tế cho biết: "Chúng tôi lạc quan rằng, Philippines sẽ không chỉ phục hồi đến mức trước đại dịch vào năm 2022, mà còn đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao".
Trước đó, Nikkei Asia đưa tin, nền kinh tế Singapore đã tăng trưởng 7,2% trong năm 2021, phục hồi từ mức âm 5,4% do đại dịch gây ra vào năm 2020. Chính phủ Singapore đang đặt mục tiêu phục hồi mạnh hơn nữa vào năm 2022, với việc mở cửa trở lại và tăng cường tiêm chủng. Tuy nhiên, biến thể mới omicron đang ảnh hưởng đến triển vọng đó.
Vào năm 2021, Singapore đã phục hồi nhờ nhu cầu xuất khẩu và việc triển khai tiêm chủng nhanh chóng. Tính đến cuối, 87% dân số Singapore đã được tiêm hai mũi. Nhưng những thách thức của đại dịch vẫn còn rất dai dẳng, với làn sóng bùng phát Covid-19 lớn nhất ở Singapore vào tháng 10, khiến chính phủ phải áp dụng các biện pháp hạn chế trong nước. Cùng với đó, sự phục hồi chậm của du lịch quốc tế cũng ảnh hưởng đến các ngành cốt lõi của quốc gia này.
Mức tăng trưởng kinh tế Singapore trong năm 2021 là mức cao nhất kể từ năm 2010 - thời điểm nền kinh tế Singapore phục hồi 14,5% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một biện pháp quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng sẽ là các mũi tiêm vaccine Covid-19 bổ sung, hứa hẹn sẽ bảo vệ dân số tốt hơn, qua đó giúp các nhà bán lẻ, nhà hàng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng khác phục hồi. Singapore là một trong những quốc gia tiêm mũi vaccine thứ ba nhanh nhất thế giới, với 41% tổng dân số đã được tiêm thêm vào cuối tháng 12.
DBS Group Holdings cho biết lĩnh vực sản xuất vẫn là một động lực tăng trưởng cho Singapore trong một báo cáo công bố hồi tháng 12, nhưng lưu ý rằng động lực này đang dần suy yếu. "Mặc dù các đơn hàng thiết bị bán dẫn vẫn tăng, nhưng dữ liệu gần đây cho thấy nhu cầu toàn cầu đã đạt đỉnh. Lực kéo tăng trưởng này của Singapore có thể sẽ yếu hơn trong những quý tới".
Bà Sung Eun Jung, một nhà kinh tế tại Oxford Economics, cho rằng kinh tế Singapore năm 2022 sẽ được thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ nhiều hơn là sản xuất, khi nhu cầu trong nước được cải thiện. "Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu bị dồn nén sẽ giúp tiêu dùng tư nhân phục hồi mạnh mẽ và đầu tư tư nhân sẽ tiếp tục tăng tốc".
Về phía Việt Nam, Tổng cục Thống kê Việt Nam đã công bố, GDP ước tính tăng trưởng 2,58% trong năm 2021 so với năm 2020.
Mức tăng trưởng này thấp hơn so với các dự báo của các tổ chức quốc tế, do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý 3/2021, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Mặt khác, mức tăng trưởng này cũng dựa trên nền tảng năm 2020 tăng trưởng dương 2,91%.
GDP quý 4/2021 của Việt Nam ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm 2020. Báo cáo nhận định, GDP quý 4 tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý 4 các năm 2011-2019.
Hoàng Hà