(Tổ Quốc) - Giá hàng hóa đồng loạt giảm trong phiên 18/10 do lo ngại nhu cầu sụt giảm khi kinh tế toàn cầu suy yếu.
Giá dầu giảm
Giá dầu giảm vào thứ Ba (18/10) do dự kiến về nguồn cung của Mỹ sẽ gia tăng trong khi kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái và nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc giảm.
Kết thúc phiên, giá dầu thô Brent giảm 1,59 USD, tương đương 1,7%, xuống 90,03 USD/thùng, trong khi dầu thô Trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ giảm 2,64 USD, tương đương 3,1% xuống 82,82 USD/thùng.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã trì hoãn vô thời hạn việc công bố các chỉ số kinh tế, ban đầu dự kiến được công bố vào thứ Ba (18/10), khiến thị trường đồn đoán nhu cầu nhiên liệu ở khu vực châu Á có thể đang suy giảm đáng kể.
Ngoài ra, dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng tuần thứ hai liên tiếp, kết quả một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters hôm thứ Hai cho thấy.
Vàng vững giá
Giá vàng ổn dịnh trong phiên vừa qua sau khi tăng mạnh ở phiên liền trước do trong bối cảnh thị trường tiếp tục chú ý tới triển vọng lãi suất của Mỹ sẽ tăng mạnh.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay gần như đi ngang, ở mức 1.649,63 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 hạ nhẹ xuống 1.655,8 USD.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết: “Cuối cùng, chất xúc tác chính (đối với vàng) sẽ là chu kỳ tăng lãi suất của Fed”.
Các thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis đã tìm cách tăng lãi suất tiền vay khẩn cấp thêm 1 điểm phần trăm – yếu tố quan trọng đối với các ngân hàng thương mại.
Quặng sắt giảm tiếp
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần trong khi giá tại Singapore xuống mức thấp nhất trong năm nay do sản lượng trong quý ba của công ty khai thác nguyên liệu sản xuất thép Vale SA gia tăng tạo thêm áp lực lên giá - vốn đã giảm trong thời gian gần đây.
Hãng Vale SA của Brazil, một trong những công ty khai thác lớn nhất thế giới, đã báo cáo mức tăng 1,1% trong sản lượng hàng quý.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã kết thúc phiên giao dịch 18/10 ở mức giảm 0,4% xuống 687 nhân dân tệ (95,57 USD)/tấn, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 7 tháng 9 ở mức 678 nhân dân tệ.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 11 trên Sàn giao dịch Singapore có lúc giảm 1,4% xuống 90,30 USD/tấn, trước khi xuất hiện yếu tố hỗ trợ, và kết thúc ở mức tăng 1% lên 92,50 USD.
Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá thép cây và thép cuộn cán nóng đều giảm 0,4%, trong khi thép cuộn tăng 0,1% và thép không gỉ tăng 0,4%.
Đồng lao dốc
Giá đồng giảm trong phiên vừa qua do chịu áp lực bởi tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư rằng Trung Quốc sẽ không nới lỏng chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của mình, giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu rơi vào suy thoái, làm giảm nhu cầu kim loại.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) giảm 1,7% xuống 7.435 USD/tấn.
Cà phê chạm đáy mới
Giá cà phê arabica giao tháng 12 trên sàn ICE giảm 0,45 cent, tương đương 0,2% xuống 1,951 USD/lb, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong một năm là 1,9320 USD.
Xuất khẩu cà phê từ Brazil – nước sản xuất hàng đầu thế giới – trung bình trong tháng 10 đạt 10.570 tấn/ngày so với 9.440 tấn/ngày trong cùng tháng năm ngoái, theo số liệu của chính phủ.
Giá cà phê robusta giao tháng 1 phiên vừa qua cũng giảm 11 USD, tương đương 0,5% xuống 2.034 USD/tấn.
Ngũ cốc giảm
Giá lúa mì, ngô và đậu tương kỳ hạn tương lai của Mỹ đồng loạt giảm vào thứ Ba do lo ngại rằng người mua ở nước ngoài sẽ chuyển sang nguồn cung thay thế để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của họ.
Trong 3 loại hạt nói trên, giá lúa mì giảm mạnh nhất, với hợp đồng lúa mì đỏ mềm vụ đông, kỳ hạn tháng 12, trên sàn Chicago giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần, giảm 11-1/2 cent xuống 8,49-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc giá xuống chỉ 8,32-3/4 USD.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 13-1/4 cent xuống 13,72 USD/bushel, và ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 2-1/2 cent xuống còn 6,81 USD/bushel.
Dầu cọ tăng
Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn tương lai tăng vọt lên mức đóng cửa cao nhất trong gần 7 tuần, do đồng ringgit suy yếu và lo ngại về nguồn cung dầu ăn toàn cầu.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 1 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 118 ringgit, tương đương 3,04%, lên 4.005 ringgit (849,60 USD)/tấn.
Hợp đồng này đã tăng giá phiên thứ ba liên tiếp và đánh dấu mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 1 tháng 9.
Đồng ringgit của Malaysia đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998, khiến hàng hóa trở nên rẻ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Cao su giảm
Giá cao su giao dịch tại Nhật Bản giảm do chịu áp lực từ xu hướng giảm trên thị trường Thượng Hải trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc suy yếu, mặc dù đà giảm được hạn chế bởi chứng khoán trong nước mạnh hơn.
Hợp đồng cao su giao tháng 3 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 0,7 yen, tương đương 0,3%, xuống 229,4 yên (1,54 USD)/kg. Hợp đồng cao su giao tháng 1/2023 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 160 nhân dân tệ xuống 12.700 nhân dân tệ (1.766 USD)/tấn.
Chỉ số chứng khoán Nikkei Nhật Bản đóng cửa phiên tăng 1,42%.
Khí gas giảm thêm 4%
Giá khí đốt Mỹ tiếp tục giảm thêm 4% xuống mức thấp nhất 3 tháng do thời tiết ôn hòa trong bối cảnh giá khí đốt giảm trển toàn cầu.
Kết thúc phiên, khí đốt giao sau 1 tháng giảm 25,4 cent, tương đương 4,2% xuống 5,745 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 6/7 trong ngày thứ hai liên tiếp.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 19/10:
Minh Quân