Chốt phiên giao dịch ngày 06/10, giá dầu tiếp tục tăng khoảng 1%, chì tăng do dự trữ giảm, cao su, đường đều tăng trong khi vàng giảm nhẹ, ngô, lúa mì, đậu tương giảm bởi lo ngại về xuất khẩu.
Dầu tăng 1%
Giá dầu tăng khoảng 1%, giữ ở mức cao nhất 3 tuần sau khi OPEC+ đồng ý thắt chặt nguồn cung toàn cầu với một thỏa thuận cắt giảm 2 triệu thùng/ngày, giảm nhiều nhất kể từ năm 2020.
Chốt phiên 6/10, dầu thô Brent tăng 1,05 USD hay 1,1% lên 94,42 USD/thùng. Dầu WTI tăng 69 US cent hay 0,8% lên 88,45 USD/thùng sau khi đóng cửa phiên liền trước tăng 1,4%.
Thỏa thuận giữa tổ chức OPEC và các đồng minh gồm cả Nga diễn ra trước lệnh cấm dầu mỏ từ Nga của Liên minh Châu Âu và sẽ siết chặt nguồn cung trong một thị trường vốn eo hẹp và đang lạm phát.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết việc cắt giảm nguồn cung thực sẽ chỉ khoảng 1 triệu thùng tới 1,1 triệu thùng/ngày. Lượng cắt giảm của Saudi Arabia khoảng 0,5 triệu thùng/ngày.
Một vài thành viên của OPEC+ đang vật lộn để sản xuất ở mức hạn ngạch vì thiếu đầu tư và các lệnh trừng phạt.
Việc cắt giảm sản lượng diễn ra khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác đang nâng lãi suất để chống lại lạm phát. Giá dầu tăng có thể sẽ làm giảm nhu cầu điều đó sẽ hạn chế đà tăng giá.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ thất vọng về kế hoạch của OPEC+ và cho biết Mỹ đang tìm cách giữ giá dầu không tăng.
Trước đó Nhà Trắng cho biết Biden sẽ tiếp tục đánh giá xem có nên giải phóng thêm dầu từ Kho Dầu mỏ Chiến lược không và sẽ tham khảo ý kiến của Quốc hội về các cách khác để giảm bớt sự kiểm soát thị trường từ OPEC và các đồng minh.
Cũng hỗ trợ giá là tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 1,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 30/9.
Vàng giảm nhẹ
Giá vàng giảm bởi USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc mạnh lên, trong khi các nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho số liệu việc làm của Mỹ có thể ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang.
Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.712,19 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 ổn định tại 1.720,8 USD/ounce.
Chỉ số USD tăng khoảng 1% khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng mạnh.
Số liệu việc làm phi nông nghiệp trong tháng 9 của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố trong ngày 7/10 sau một báo cáo việc làm quốc gia ADP tốt hơn dự kiến trong ngày 5/10.
Chì tăng vọt do dự trữ giảm
Giá chì đạt mức cao nhất trong 7 tuần do tồn kho giảm trong bối cảnh lo lắng về việc đóng cửa nhà máy luyện, trong khi kẽm tăng sau khi sàn giao dịch kim loại London LME áp đặt những hạn chế với kim loại từ một công ty của Nga.
Phiên giao dịch biến động do các nhà đầu tư cũng cố gắng tính đến khả năng mất nhu cầu bởi lãi suất tăng mạnh để kiềm chế lạm phát.
Chỉ số USD tăng cũng gây áp lực lên thị trường này, khiến các hàng hóa định giá bằng USD đắt hơn cho người mua bằng những ngoại tệ khác.
Chì giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch LME đã tăng khoảng 2,8% lên 2.093,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 18/8 sau đó đóng cửa chỉ tăng 0,3% lên 2.042 USD/tấn.
Kho dự trữ chì của sàn LME giảm 44% xuống 15.600 tấn, mức thấp nhất trong 3 thập kỷ, sau khi chủ sở hữu kim loại thông báo với sàn giao dịch rằng họ muốn lấy ra nguyên liệu của họ.
Đồng LME giảm 1,6% xuống 7.560 USD/tấn sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 13/9 tại 7.879 USD/tấn.
Cao su Nhật Bản tiếp tục tăng
Giá cao su Nhật Bản tăng, được hỗ trợ bởi sự gia tăng của chứng khoán trong nước và giá dầu, mặc dù giao dịch vẫn yếu do đợt nghỉ lễ ở Trung Quốc.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,1 JPY hay 0,9% lên 232,0 JPY (1,61 USD)/kg. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa tăng 0,7%.
Thị trường cao su tự nhiên hưởng lợi từ giá dầu mạnh thúc đẩy các nhà sản xuất rời xa cao su tổng hợp vốn bắt nguồn từ dầu mỏ.
Tại Singapore giá cao su giao tháng 11 tăng 1,7% lên 137,8 US cent/kg.
Giá gạo Việt Nam tăng
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần này bởi nhu cầu mạnh, trong khi giá gạo Ấn Độ giảm do đồng rupee lao dốc và nguồn cung cải thiện.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm được chào bán ở mức 425 – 430 USD/tấn so với 420 – 425 USD một tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết "nhu cầu đang phục hồi và chúng tôi dự kiến Philippines nhập khẩu thêm để bù cho sự thiếu hụt bởi các cơn bão gần đây". Philippines là khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam.
Trong khi đó, các nguồn cung nội địa thấp do vụ thu hoạch hè thu sắp kết thúc. Giá xuất khẩu có thể tăng tiếp trong những tuần tới do nguồn cung khan hiếm bởi thời tiết bất lợi ở một số quốc gia trồng lúa và nhu cầu đang tăng đặc biệt từ Trung Quốc.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống 374 – 382 USD/tấn từ mức 376 – 384 USD/tấn trong tuần trước, trong bối cảnh đồng rupee xuống mức thấp kỷ lục.
Tại Thái Lan giá gạo 5% tấm cũng giảm xuống 415 – 425 USD/tấn từ mức 422 – 435 USD/tấn một tuần trước. Nhu cầu trầm lắng nhưng lũ lụt ở nước ngoài có thể làm tăng nhu cầu đối với gạo Thái Lan.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 6,95 US cent hay 3,1% xuống 2,177 USD/lb do mưa tại Brazil đã cải thiện triển vọng vụ mùa năm tới tại nước sản xuất hàng đầu thế giới này.
Các đại lý cho biết thị trường được củng cố bởi nguồn cung ngắn hạn khan hiếm bắt nguồn từ xuất khẩu giảm ở Brazil và Colombia.
Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) đã cắt giảm dự báo vụ cà phê năm nay, trong khi sản lượng cà phê của Colombia giảm xuống mức thấp nhất 8 năm.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 33 USD hay 1,5% xuống 2.140 USD/tấn.
Giao dịch cà phê tại Việt Nam tiếp tục ảm đảm trong tuần này do các kho dự trữ cạn kiệt và do nguồn cung từ niên vụ mới chưa sẵn có cho tới tháng sau.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 46.600 – 47.000 đồng (1,95 – 1,97 USD)/kg, giảm từ mức 46.400 – 47.400 đồng một tuần trước.
Một thương nhân tại vành đai cà phê này cho biết giá của vụ thu hoạch sắp tới vẫn chưa được thiết lập. Nó phụ thuộc vào thời tiết tháng tới mặc dù tình trạng hiện nay thuận lợi cho cây trồng.
Một thương nhân khác cũng ở khu vực ngày cho biết vụ thu hoạch được dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 11 với sản lượng khoảng 30 triệu bao, 60 kg/bao.
Tại Indonesia, giá cà phê ở tỉnh Lampung không đổi so với tuần trước. Một thương nhân đã chào bán cà phê ở mức trừ lùi 80 – 90 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 trên sàn ICE, London, một người khác chào bán ở mức trừ lùi 30 – 40 USD/tấn với cùng hợp đồng kỳ hạn tháng 11. Indonesia đã xuất khẩu 35.952,5 tấn cà phê robusta Sumatran trong tháng 8, hơn gấp đôi lượng xuất khẩu trong cùng tháng năm trước.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,51 US cent hay 2,8% lên 18,46 US cent/lb.
Các đại lý cho biết mưa tại khu vực trung nam Brazil đã làm gián đoạn sản xuất đường và giúp hỗ trợ giá.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 16,7 USD hay 3,1% lên 551,3 USD/tấn.
Đậu tương, lúa mì, ngô giảm do lo ngại xuất khẩu
Đậu tương trên sàn giao dịch Chicago giảm xuống mức thấp nhất 2,5 tháng, bởi áp lực từ vụ thu hoạch đang diễn ra ở Mỹ và dấu hiệu nhu cầu ở nước ngoài yếu.
Nhu cầu xuất khẩu kém cũng gây áp lực lên thị trường ngô và lúa mì do các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với suy thoái kinh tế.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 đóng cửa giảm 11-3/4 US cent xuống 13,58 USD/bushel. Hợp đồng được giao dịch nhiều nhất này đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 25/7.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 giảm 8-1/2 US cent xuống 6,75 -1/2 USD/bushel.
Lượng đậu tương xuất khẩu đạt tổng cộng 777.100 tấn trong tuần kết thúc vào ngày 29/9, giảm 23% so với một tuần trước đó, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Lượng ngô xuất khẩu đạt 227.000 tấn giảm 56% so với một tuần trước đó dưới mức thấp nhất thị trường dự đoán.
Lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông giao tháng 12 giảm 23 US cent xuống 8,79 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 07/10
Minh Quân