(Tổ Quốc) - Thị trường Việt Nam đang "thăng hạng" rất nhanh trong bản đồ thị trường thiết bị Apple thế giới, cả về lượng và về chất.
Trong buổi công bố báo cáo tài chính mới nhất của Apple, Việt Nam tiếp tục được CEO Tim Cook gọi tên như là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất. "Chúng tôi đã chứng khiến kỷ lục doanh thu trong quý kết thúc vào tháng 6 ở cả các thị trường phát triển và mới nổi với mức tăng trưởng 2 con số rất mạnh mẽ ở Brazil, Indonesia và Việt Nam, doanh số tăng gần gấp đôi ở Ấn Độ", CEO Tim Cook nói.
Đây không phải lần đầu vị CEO này nói về thị trường Việt Nam trong những năm gần đây, cho thấy Việt Nam đang là một trong những "miếng bánh" hấp dẫn của hãng công nghệ lớn nhất thế giới.
Từng là "thị trường hạng 3" của Apple
Năm 2019, đại diện một hệ thống bán lẻ tại Việt Nam đã khẳng định "Apple coi Việt Nam là thị trường hạng 3 nên có một số bất lợi như máy bán chậm, hàng hoá không đa dạng, thị trường không được ưu tiên".
Điều này hoàn toàn đúng bởi ở thời điểm đó, iPhone mới thường về Việt Nam rất chậm, khoảng hơn 1 tháng sau khi chính thức bán ra tại các thị trường lớn. Các sản phẩm như MacBook hay iPad mới cũng ở tình trạng tương tự.
Thị trường Việt Nam từng không được ưu tiên trong danh sách của Apple. Ảnh: ITI.
Thực tế, đây là điều có thể hiểu được bởi mặc dù người Việt cực kỳ yêu thích các sản phẩm của Apple, các tiêu chí về thị trường tại Việt Nam vẫn ở mức khá thấp. Thứ nhất, loại hàng không chính ngạch (còn gọi là hàng xách tay) tồn tại quá phổ biến – thậm chí vượt cả doanh số máy chính hãng. Thứ 2, hệ thống đại lý phân phối sản phẩm Apple còn mỏng, không có quy hoạch bài bản – điều rất trái ngược với nguyên tắc đề cao sự hoàn hảo của Apple.
Thời điểm được xem là "bước ngoặt" của thị trường Việt Nam đến vào giai đoạn 2019-2020. 2019 là thời điểm một hệ thống kinh doanh di động có tiếng tại Việt Nam bị khám xét, ông chủ bị khởi tố về tội buôn lậu. Sau sự việc này, rất nhiều hệ thống kinh doanh đã ngừng bán các sản phẩm không chính ngạch và đẩy mạnh kinh doanh máy chính hãng.
Sang 2020, thêm một "đòn đau" nữa bất ngờ đến với các đơn vị kinh doanh máy "xách tay" khi dịch Covid-19 bùng phát khiến việc nhập máy theo đường không chính ngạch gần như bất khả thi. Một người từng kinh doanh iPhone xách tay cho hay thời điểm iPhone 12 ra mắt, lượng máy xách tay nhập được về Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/10 so với trước kia.
Sau giai đoạn này, các hệ thống bán lẻ gần như "quay xe" hoàn toàn với iPhone không chính ngạch, đồng thời xây dựng lại quy chuẩn để trở thành hệ thống bán lẻ uỷ quyền của Apple (AAR – Apple Authorized Reseller). Thậm chí, một số đơn vị còn xây dựng hàng loạt hệ thống mono store chuyên kinh doanh sản phẩm Apple cũng như mở rộng mạng lưới bảo hành sản phẩm Apple một cách quy mô.
Thị trường Việt Nam đã "nâng hạng"?
Mới đây nhất khi MacBook Air M2 ra mắt, thị trường Việt Nam đón sản phẩm chậm hơn quốc tế khoảng 13 ngày, đánh dấu việc người dùng Việt được mua hàng Apple chính hãng sớm nhất từ trước đến nay.
Trước đó, thời điểm iPhone 13 ra mắt, người Việt cũng chỉ phải chờ khoảng 1 tháng để máy mở bán chính thức trong khi với iPhone 11, thời gian chờ lên đến gần 1 tháng rưỡi. Nhiều khả năng khi iPhone 14 mở bán vào mùa thu năm nay, khoảng thời gian chờ đợi sẽ tiếp tục rút ngắn lại.
Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy thị trường Việt Nam đang ngày một coi trọng.
Các hệ thống monostore chuyên kinh doanh sản phẩm Apple mọc lên ngày một nhiều. Ảnh: Thành Duy.
Đại diện nhiều hệ thống bán lẻ đều khẳng định thị trường Việt Nam đang nhận được nhiều "ưu ái" hơn rất nhiều so với trước đây. Chẳng hạn, trước đây khi bán các sản phẩm Apple, nhà bán lẻ gần như phải "tự túc" hoàn toàn khi tổ chức các chương trình ưu đãi khi mở bán hoặc giảm giá sản phẩm thì giờ đây, họ sẽ phối hợp chặt chẽ với quản lý vùng của Apple để tổ chức các chương trình một cách bài bản, đồng nhất.
Không những thế, việc số lượng cửa hàng uỷ quyền Apple mọc lên ngày một nhiều đồng nghĩa người dùng được tiếp cận với các trải nghiệm cao cấp mà Apple mong muốn một cách dễ dàng, chuẩn xác hơn.
Không có thống kê một cách chính xác nhưng theo các nhà bán lẻ, Việt Nam là một trong số ít các thị trường của Apple liên tục ghi nhận tăng trưởng doanh số ở mức 2 con số. "Với quy mô 100 triệu dân, Việt Nam chắc chắn là một thị trường lớn, tiềm năng. Đời sống kinh tế của người dùng đi lên đồng nghĩa nhu cầu mua các sản phẩm cao cấp của Apple chỉ tăng chứ không giảm. Đây là lợi thế rất lớn của thị trường Việt Nam và Apple chắc chắn biết điều này", một người theo dõi thị trường lâu năm cho biết.
Người này cho biết trước đây rất nhiều người ngạc nhiên vì sao Apple không coi trọng thị trường Việt Nam trong khi tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, câu trả lời đang hiện ra ngày một rõ ràng hơn. Hãng đã có những bước đi chậm, từng bước đẩy thị trường lên chứ không vội vàng. Do đó, đà thăng tiến của thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiếp tục. "Họ từng bước ‘diệt’ hàng xách tay, cam kết nhiều hơn với các đối tác, đưa ra các hỗ trợ cần thiết đúng vào thời điểm thị trường đi lên. Đó là những nước đi rất cao tay của Apple", người này nhận định.
Thời gian qua, đã có những thông tin về việc Apple xem xét mở cửa hàng bán lẻ chính thức (Apple Store) tại Việt Nam. Thậm chí, có thông tin cho rằng đã có những nhân sự chuyên trách của Apple đến Việt Nam và việc mở cửa hàng sẽ sớm được tiến hành. Thông tin này chưa được xác tín nhưng đó không phải chuyện viển vông.
Đức Nam