(Tổ Quốc) - Bí ẩn đằng sau thỏi son 3 USD của E.l.f giữa thời bão giá.
Theo tờ New York Times (NYT), hãng mỹ phẩm E.l.f Beauty vốn nổi tiếng bán những sản phẩm vừa túi tiền nhưng hợp xu hướng tại các hiệu thuốc. Thế nhưng đà lạm phát đã khiến công ty này cũng như nhiều doanh nghiệp khác buộc phải nâng giá cũng như cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm xa xỉ hơn để bù lợi nhuận.
Mặc dù vậy, có một món hàng mà E.l.f lại giữ giá cực thấp, đó là những thỏi son chỉ 3 USD.
Chiến lược thời bão giá
Trên thực tế, CEO Tarang Amin của E.l.f cho biết họ không hề thay đổi chính sách giá bán với những sản phẩm rẻ nhất như son môi, kẻ mắt, vốn chỉ có giá vài USD. Việc giữ giá ở mức thấp này không đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm đi xuống, đặc biệt là tại thị trường Mỹ khắt khe. Thay vào đó, công ty chấp nhận chịu thiệt để thu hút thêm khách hàng, những người muốn dùng son môi hay những mỹ phẩm thường dùng vừa túi tiền trong thời lạm phát.
Bù lại, hãng E.l.f sẽ mở rộng được thị phần và bán thêm được các mặt hàng có giá khác như sản phẩm chăm sóc da.
Chiến lược lấy số lượng bù chất lượng của E.l.f này khá hiệu quả trong thời buổi lạm phát tại Mỹ lên mức cao nhất 40 năm. Hiện hầu hết các CEO đều đau đầu với việc dùng chiến lược giá bán thế nào để vừa giữ chân được khách hàng lại vẫn phải đảm bảo cán cân chi phí-lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Những sản phẩm như son môi, kẻ mắt của E.l.f hiện thu hút được sự chú ý lớn của người tiêu dùng khi họ bán giá còn thấp hơn cả những thương hiệu cùng ngành trong các trung tâm thương mại, qua đó hút thêm được những người mua mới.
Theo CEO Amin, hãng mỹ phẩm có tuổi đời 18 năm này dự định sẽ duy trì chiến lược giữ giá thấp cho các dòng sản phẩm phổ biến ngay cả khi lạm phát đã chấm dứt bởi chúng đem lại hiệu quả khả quan. Trong thời buổi lạm phát cao, nhu cầu mỹ phẩm đi lên do nền kinh tế mở cửa trở lại, người dân Mỹ cần dùng nhiều nước hoa, chăm sóc da và trang điểm hơn để đi làm thì ngành mỹ phẩm cần có chiến lược giá hợp lý.
Không riêng gì E.l.f, hàng loạt những hãng mỹ phẩm khác như Maybeline, Cover Girl cũng đã theo đuổi chiến lược giữ giá bán thấp cho các sản phẩm thường dùng, qua đó hút được thêm khách hàng.
Quay trở lại với E.l.f, hãng mỹ phẩm này đã công bố doanh thu 400 triệu USD thường niên và doanh số quý gần nhất tăng đến 26%, cao gấp đôi so với dự đoán trước đó của các chuyên gia. Giá cổ phiếu của E.l.f đã tăng hơn 50% trong 1 năm qua và công ty đã vượt qua Revlon để trở thành hãng bán buôn mỹ phẩm lớn thứ 4 tại Mỹ.
Trái lại, Revlon vào tháng 7/2022 đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản do vay nợ quá nhiều.
Bảo hộ phá sản (Bankruptcy Protection) là một khái niệm được qui định tại Chương 11 Luật phá sản Hoa Kỳ, cho phép một doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và đang đứng trước nguy cơ phá sản tiến hành các thủ tục pháp lí để xin Tòa án "Bảo hộ phá sản".
Việc bảo hộ này sẽ giúp doanh nghiệp trì hoãn việc trả nợ trong khi lên kế hoạch và thực hiện tái cơ cấu, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu việc phục hồi thành công, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi nguy cơ phá sản, giải quyết được các khoản nợ và tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Thời thế thay đổi
Theo NYT, các thương hiệu mỹ phẩm và bán lẻ hiện đang ngày càng thấy áp lực từ phía nhu cầu tiêu dùng sau nhiều năm tăng giá vô tội vạ mà không sợ các chị em ngừng mua mỹ phẩm. Hàng loạt doanh nghiệp như Kroger hay Walmart cho hay người tiêu dùng vào siêu thị hiện nay có xu hướng chọn những mặt hàng giá cả phải chăng hơn là hàng hiệu, đồng thời cắt giảm chi tiêu trong mùa lạm phát.
Đây là một thông tin cực kỳ xấu với những thương hiệu mỹ phẩm xa xỉ khi họ thường nâng giá để giữ hình ảnh hàng cao cấp mà vẫn hút được lượng lớn khách hàng.
Theo chuyên gia Scott Rick của trường đại học Michigan, việc những thương hiệu mỹ phẩm như E.l.f giữ giá cực thấp cho các sản phẩm phổ biến là một điều đáng chú ý trong bối cảnh hiện nay.
"Mọi người sẽ không chú ý sự khác biệt giữa 15,99 USD với 16,99 USD vì sự chênh lệch quá nhỏ. Thế nhưng câu chuyện sẽ hoàn toàn khác với những món đồ mỹ phẩm phổ biến mà chị em phụ nữ thường xuyên dùng. Chắc chắn không hãng nào muốn bị chê sản phẩm đắt trong thời lạm phát hiện nay", chuyên gia Rick nhận xét.
Cũng theo Rick, người tiêu dùng sẽ bị chi phối bởi nhiều yếu tố về thương hiệu, chất lượng, bình luận của những người dùng khác, sở thích cá nhân... khi chọn mua sản phẩm. Thế nhưng trong thời buổi bão giá như hiện nay và mọi nhà đều phải cắt giảm chi phí thì câu chuyện đắt rẻ lại đóng vai trò quan trọng chủ chốt.
Trên thực tế, không riêng gì ngành mỹ phẩm mà nhiều ngành khác cũng đang áp dụng chiến lược như của E.l.f. Thương hiệu Costco Wholesale đã chấp nhận lỗ để giữ giá bán 1,5 USD cho combo sản phẩm bánh mỹ kẹp xúc xích kèm nước ngọt có ga bởi vì đây là mặt hàng nổi tiếng hút khách, qua đó đưa thêm người tiêu dùng đến siêu thị của họ để mua những mặt hàng khác.
Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng chấp nhận lỗ để giữ được giá ban như vậy. Hãng Dollar Trê, vốn nổi tiếng với chính sách đồng giá 1 USD thì mới đây đã phải tuyên bố nâng giá lên 1,25-1,5 USD.
Đầu năm nay, chuỗi đồ ăn nhanh McDonald’s cũng đã phải chấp nhận cho các chi nhánh nâng giá nước ngọt có ga sau vài năm thực hiện chiến dịch đồng giá 1 USD cho mọi kích cỡ đồ uống.
Tươi sáng
Tờ NYT cho biết E.l.f là một trong số hiếm hoi những thương hiệu mỹ phẩm bán buôn vẫn còn theo đuổi được chiến lược kinh doanh giữa giá hiện nay. Vào tháng 3/2022, hãng thông báo sẽ nâng giá 1 USD lên phần lớn sản phẩm, ngoại trừ những mặt hàng phổ thông giá rẻ.
Trong khi những mặt hàng như son môi vẫn được giữ giá 3 USD thì E.l.f bù đắp lợi nhuận thông qua việc nâng giá những mặt hàng khác, đồng thời cho ra mắt một số sản phẩm cấp cao như dòng chăm sóc da mặt với giá 34 USD.
Hệ quả là dù mức giá bình quân của E.l.f tăng 10% nhưng tăng trưởng của công ty cũng khả quan, khiến hãng tăng cường quảng cáo trong những tháng gần đây để chiếm thêm thị phần.
"Cách thức hoạt động của họ khá khác so với những đối thủ bán buôn mỹ phẩm khác", chuyên gia phân tích Anna Lizzul của Bank of America nhận định.
Tháng 8/2022, E.l.f đã nâng mức dự báo tăng trưởng doanh số lẫn lợi nhuận cho năm tài khóa 2022 kết thúc vào cuối tháng 3/2023. Các chuyên gia trong ngành cũng dự báo tăng trưởng doanh số của thương hiệu này sẽ gấp đôi so với mức bình quân toàn ngành. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận của E.l.f cũng liên tục được cải thiện trong các quý gần đây.
*Nguồn: NYT
Băng Băng