(Tổ Quốc) - Giới chức London đã áp đặt một số hạn chế đối với những phương tiện xả thải nhiều khí CO2, bắt đầu từ năm 2019, nhằm khắc phục tình trạng tắc nghẽn giao thông cùng khối lượng lớn khí ô nhiễm.
Tình trạng tắc nghẽn giao thông cùng khối lượng lớn khí thải ô nhiễm đã biến London, Anh trở thành nơi có chất lượng không khí thấp nhất trong số các nước phát triển. Để giải quyết vấn đề này, giới chức địa phương đã áp đặt một số hạn chế đối với những phương tiện xả thải nhiều khí CO2, bắt đầu từ năm 2019.
Kể từ đó, tài xế xe chạy bằng động cơ diesel và xăng phải trả tới 27,5 bảng Anh (tương đương 30,72 USD)/ngày để vào trung tâm thủ đô London. Số lượng xe điện được cấp phép trong khoảng thời gian này đã đã tăng hơn gấp 4 lần, trong khi tỷ lệ xe chạy bằng động cơ diesel giảm hơn ¼.
Rất dễ để nhận thấy, việc London thu phí vào trung tâm đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xe EV. Uber, hãng taxi lớn nhất thế giới, hiện có tỷ lệ các chuyến đi bằng xe điện tại London lớn hơn bất kỳ thành phố lớn nào. Theo dữ liệu từ Melanie Shufflebotham, nhà đồng sáng lập Zap-Map, một ứng dụng phổ biến tìm kiếm điểm sạc, các tuyến đường cũng được thủ đô này điều chỉnh sao cho phù hợp với xe điện.
Quan trọng nhất, chất lượng không khí tại London - nơi vốn kém hơn nhiều so với các thành phố có quy mô tương đương như New York và Madrid hồi năm 2017 - hiện đã ngang bằng.
“Tôi có vấn đề cá nhân. Năm 2014, không lâu sau khi tham gia cuộc thi Marathon London, tôi được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn do ô nhiễm”, thị trưởng Sadiq Khan cho biết. “Tôi hoàn toàn không có bất kỳ ý thức nào về kẻ giết người giấu mặt này. Chúng bé, rất khó để nhìn thấy và tôi đã hít phải”.
Được biết trước nhiệm kỳ của Khan, London đã dành rất nhiều năm giải quyết tình trạng khói bụi. Vào năm 2003, giới chức địa phương đã đưa ra quy định mới, thu phí 5 bảng Anh đối với các phương tiện chạy xăng đi vào trung tâm thành phố. Đến năm 2019, một khoản phí bổ sung ra đời, yêu cầu các phương tiện cũ phải nộp thêm 12,5 bảng Anh do những chiếc xe này phát thải nhiều hơn bình thường. Khu vực kiểm soát, hiện gọi là Vùng phát thải cực thấp (ULEZ), đã được mở rộng vào tháng 10/2021 và hiện có diện tích lớn gấp 18 lần khu vực thu phí tắc nghẽn.
Rất nhiều các tiêu chuẩn đã được đặt ra với ô tô. Điều này giúp mọi phương tiện chạy chạy xăng và động cơ diesel đăng ký với cơ quan cấp phép của Anh sau năm 2005 và 2015 có thể đáp ứng mọi tiêu chuẩn của ULEZ. Các quy tắc không chỉ giúp tăng số lượng xe điện mà còn tạo động lực cho những chiếc xe xăng truyền thống trở nên sạch hơn rất nhiều. Theo Bloomberg, 6 tháng sau khi mở rộng ULEZ, số lượng các xe chạy bằng diesel vào khu vực trung tâm mỗi ngày đã giảm khoảng 44.000 chiếc.
Tuy nhiên, nhiều người đang phàn nàn về mức phí ô nhiễm họ phải trả. Sự ra đời của ULEZ đã gây tranh cãi về mặt chính trị.
“Các cố vấn của tôi cảm thấy rất lo lắng. Nhiều lái xe bất bình khi phải trả phí tắc nghẽn trung tâm, hiện là 15 bảng Anh. Mức phí bổ sung đối với các loại xe cũ là 12,5 bảng và điều này đồng nghĩa với việc một số tài xế có thể phải trả tới 27,5 bảng/ngày”, thị trưởng Sadiq Khan nói.
Dẫu vậy, xét trên phương diện tích cực, những quy định này đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi xe điện trên khắp London. Charlie Holding, một tài xế Uber đam mê xe điện cho biết: “Tôi rất ủng hộ và chỉ muốn nói rằng, mình chính là một ‘chiến binh cho hệ sinh thái”.
Năm 2019, Uber chỉ có 100 chiếc xe điện tại London. Tính đến quý III năm nay, số lượng tài xế EV đã tăng lên đến hơn 7.000 người. Chris Hook, người đứng đầu chiến lược phát triển bền vững toàn cầu của Uber tin rằng chính sách của thành phố chính là công cụ thúc đẩy quan trọng nhất cho sự thay đổi này, nhất là khi quy tắc trả phí ô nhiễm được miễn trừ hoàn toàn đối với xe điện.
“Ngoài London, hiện không có thành phố lớn nào chúng tôi hoạt động có khu vực thu phí ùn tắc tương đương”, Chris Hook nói.
Điều này khiến những người dân tại các thành phố lớn khác cảm thấy rất thất vọng. “Bạn luôn cảm thấy ô nhiễm mỗi khi một chiếc ô tô chạy qua. Ngay cả khi bạn về đến nhà rồi, quần áo vẫn đầy mùi ô nhiễm”, Ines Galan, 30 tuổi, nói.
Sự nguy hiểm của bầu không khí ô nhiễm thu hút sự chú ý của dư luận Anh từ năm 2020, sau câu chuyện mang tính bước ngoặt: bé gái 9 tuổi tên Ella Adoo Kissi-Debrah tử vong vì hít phải một lượng lớn khí ô nhiễm. Nhiều năm sống cạnh con đường South Circular Road đầy khói bụi đã khiến bệnh hen suyễn của bé trở nên trầm trọng. Phổi Ella sau đó “trông như thể đã hút 30 điếu thuốc mỗi ngày”, mẹ cô, Rosamond, cho biết.
Carbon dioxide, một loại khí nhà kính phổ biến, về mặt kỹ thuật là không độc, song lại gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến cách phổi hoạt động. Ngoài CO2, các loại vi hạt siêu nhỏ, chẳng hạn từ lốp xe và má phanh cũng gây ra ô nhiễm.
Theo Bloomberg, lốp của đa số các phương tiện di chuyển đều chứa ít cao su tự nhiên. Chúng, trong quá trình ma sát với mặt đường, sẽ tạo ra lượng phát thải hạt bụi mịn khổng lồ, gấp khoảng 1.850 lần so với lượng khí phát thải từ ống xả. Ước tính, khoảng 6,1 triệu tấn bụi lốp xe sẽ hòa vào bầu khí quyển và nguồn nước mỗi năm.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cũng coi lốp xe là nguồn ô nhiễm vi nhựa biển lớn thứ hai. Một nghiên cứu hồi năm 2017 cũng cho thấy mức phát thải trung bình từ lốp xe trên đầu người là 0,81 kg mỗi năm. Trong đó, mức phát thải ở Ấn Độ dao động khoảng 0,23 kg/năm và 4,7 kg/năm (tương đương 10 pounds) ở Mỹ.
Đáng thất vọng, xe điện hạng nặng lại phát thải nhiều bụi mịn hơn cả xe hơi thông thường. Lượng khí thải bụi mịn dự kiến sẽ tăng 52,4% vào năm 2030, trong bối cảnh ngày càng có nhiều xe điện lưu thông. Theo OECD, nếu vấn đề này không được kiểm soát, bụi từ lốp xe sẽ tích tụ trong môi trường.
Điều này khiến giới chức các thành phố lớn buộc phải xem xét lại cách ứng dụng xe điện để giải quyết ô nhiễm. Bằng chứng là sau năm 2025, ngay cả xe điện cũng sẽ phải trả phí tắc nghẽn để vào trung tâm London.
Theo: Bloomberg, CNN
Vũ Anh