(Tổ Quốc) - Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao chiều 27/10, nhận lời mời của Chủ tịch điều hành và Nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Giáo sư KlausSchwab, ngày 29/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF bằng hình thức trực tuyến.
Cuộc đối thoại có chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác công - tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo". Đây là lần đầu tiên diễn ra một cuộc đối thoại chiến lược quốc gia như vậy giữa Việt Nam và WEF.
Đồng thời, sự kiện này cũng là cơ hội để các nhà đầu tư trực tiếp trao đổi với Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu kinh tế giai đoạn 2021-2026 của Chính phủ. Các nhà đầu tư dự kiến sẽ đưa ra các đề xuất về cách thúc đẩy và tận dụng lợi thế của đầu tư và công nghệ, đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số.
Chủ tịch WEF Borge Brende sẽ cùng tham gia sự kiện với các đại diện của Việt Nam và khoảng 50 tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
Đối thoại được kỳ vọng là cơ hội để Việt Nam kêu gọi đầu tư, đồng thời huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển; phương hướng triển khai tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, khai thác các động lực tăng trưởng từ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công – tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) tại Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác giải pháp công nghệ hàng đầu.
Hoàng Hà