(Tổ Quốc) - Người sáng lập Thipha Cable mới đây đã trở thành cổ đông lớn sở hữu 11,9% vốn điều lệ của CTCP Long Hậu, đơn vị phát triển bất động sản KCN tỉnh Long An.
Công ty Cổ phần Long Hậu (LHG) vừa được thông báo về hai giao dịch lớn liên tiếp của ông Võ Tấn Thịnh. Theo đó, ông này đã mua vào lần lượt 1,7 triệu (20/8) và gần 1,8 triệu cổ phiếu LHG (24/8), trở thành cổ đông lớn nắm 11,9% vốn điều lệ.
Cả hai giao dịch đều được thực hiện theo phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị hơn 82 tỷ đồng. Giá mua trung bình gần 23.600 đồng mỗi cổ phiếu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Võ Tấn Thịnh chính là người sáng lập, từng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cable).
Tuy vậy, ông Thịnh cùng những người liên quan đã bán lại 100% cổ phần Thipha Cable và một đơn vị khác là Công ty Cổ phần Kim loại màu và Nhựa Đồng Việt (Dovina) cho Tập đoàn Stark của Thái Lan. Tháng 4 vừa qua, Thipha Cable và Dovina thông báo chính thức sáp nhập vào Tập đoàn Stark và Phelps Dodge International.
Theo tài liệu của công ty Thái, giá trị giao dịch mua cổ phần không vượt quá 240 triệu USD (khoảng 5.600 tỷ đồng).
Quay trở lại với Long Hậu, động thái tăng sở hữu kể trên của cựu chủ tịch Thipha Cable cho thấy ý định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp sau khi đã thu về một mớ từ thoái vốn công ty sản xuất cáp điện.
Được thành lập từ năm 2006 bởi hai cổ đông sáng lập là Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty Cổ phần Việt Âu. Tính đến nay, Long Hậu đã phát triển ba khu công nghiệp (Long Hậu 1, 2, 3) quy mô 500 ha. Đồng thời, công ty cũng đã được Ban quản lý KCN Đà Nẵng cấp phép thực hiện dự án nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu Đà Nẵng, từ 2018.
Về cơ cấu, Long Hậu sở hữu một công ty con là CTCP Dịch vụ KCN Long Hậu (88%) sản xuất đồ uống, nước khoáng; hai công ty liên kết là CTCP Công nghệ Igreen (40%) và CTCP Chiếu sáng Công cộng TP HCM (Sapulico, 34%).
Trong những năm gần đây, Long Hậu duy trì mức doanh thu thuần gần 600 tỷ đồng cùng lợi nhuận sau thuế trên dưới 150 tỷ đồng. Tuy vậy, nửa đầu năm nay kết quả kinh doanh của công ty này bắt đầu tăng trưởng đột biến với doanh thu thuần 388 tỷ đồng, tăng 39% nhờ tăng hoạt động cho thuê; lợi nhuận ròng 111 tỷ đồng, tăng 41%.
Hiện cổ đông lớn nhất tại Long Hậu vẫn là Công ty Phát triển KCN Tân Thuận, nắm gần 49% vốn cổ phần.
Trước thời điểm bán Thipha Cable cho Stark, ông Võ Tấn Thịnh đã tiến hành chia tách CTCP Địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát thành CTCP Cáp điện Thịnh Phát và CTCP Địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát vào tháng 7/2019. Động thái này nhằm tách riêng hoạt động sản xuất cáp điện với các lĩnh vực kinh doanh khác.
Công ty Địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát sau đó đổi ngành nghề kinh doanh chính từ sản xuất cáp điện sang kinh doanh bất động sản, cho thuê nhà xưởng, kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Công ty này hiện do ông Võ Tấn Thịnh là đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc, vốn điều lệ đăng ký 350 tỷ đồng.
Ông Võ Tấn Thịnh thực tế không phải người xa lạ với lĩnh vực kinh doanh bất động sản khu công nghiệp. Năm 2006, công ty Địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát của ông đầu tư KCN Thịnh Phát tại Long An diện tích 74 ha. Đến cuối năm 2018, KCN này được Thủ tướng chấp thuận mở rộng quy mô lên 113 ha.
Tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện dự án KCN Thịnh Phát cho một doanh nghiệp mới, nhưng thực tế vẫn do ông Võ Tấn Thịnh là đại diện pháp luật – CTCP Đầu tư Kinh doanh Tổng hợp Thịnh Phát.
Cổ phiếu Long Hậu phản ứng tích cực sau thông tin xuất hiện nhà đầu tư mới, tăng trần lên 26.750 đồng và trắng bên bán. Đáng chú ý hơn, LHG đã tăng từ vùng giá đáy hơn 10.000 đồng cuối tháng 3 năm nay, tức gấp hơn 2,6 lần.
Sau vài ngày gom gần 3,5 triệu cổ phiếu LHG, ông Võ Tấn Thịnh tạm lãi hơn 11 tỷ đồng.
Biến động giá cổ phiếu LHG trong 1 năm
Bạch Mộc