(Tổ Quốc) - Tại diễn đàn “Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa" vào sáng ngày 28/7, ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc USABC khẳng định Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong công cuộc chuyển đổi số so với các quốc gia thành viên ASEAN.
Mới đây, ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đã có những chia sẻ trong diễn đàn “Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa" về tiềm năng thị trường Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Thành viên Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) gồm nhiều doanh nghiệp hàng đầu, điển hình như: Amazon, Google, Facebook, Apple và nhiều nền tảng công nghệ khác. Hiện tại, thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc đang chiếm đến 70% trên các nền tảng số này.
Khi bàn về lĩnh vực ứng dụng các nền tảng công nghệ trong thương mại điện tử nội địa, ông Thành cho rằng Việt Nam vẫn đang phát triển và chưa thể đuổi kịp các nước như Singapore, Malaysia và Indonesia.
Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định tiềm năng phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam là rất lớn. Do khả năng thích ứng với công nghệ của người dân cũng như các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất cao. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng về người dùng, thời gian sử dụng Internet, tăng trưởng trong mua sắm,... tại Việt Nam tương đối lớn.
Thêm vào đó, ông Thành chỉ ra rằng ngoại trừ Singapore, Việt Nam đang dẫn trước các quốc gia trong khu vực về khía cạnh ứng dụng nền tảng thương mại điện tử để xuất khẩu.
Lý giải về vấn đề này, ông cho rằng các nước điển hình như Thái Lan, ứng dụng thương mại điện tử trong xuất khẩu vẫn còn thấp hơn Việt Nam do thương mại vật lý của Thái Lan đang làm tốt. Vì vậy họ không có động lực để chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để xuất khẩu cũng từ đó mà không lớn bằng Việt Nam.
Chi phí cơ hội để Việt Nam chuyển đổi là thấp hơn, và khi chuyển đổi số, người dân cũng sẽ thích ứng nhanh hơn. "Đây là cơ hội lớn của chúng ta", ông khẳng định.
Ông Thành cho biết thêm, chuyển đổi số không phải là một quá trình đơn lẻ mà là cả một chuỗi các hoạt động với nhiều bên tham gia và phải đồng bộ, phải đi cùng với nhau. Quá trình này cần các bên liên quan bao gồm: Nhà nước, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các nền tảng công nghệ và các mô hình kinh doanh.
Ông nói: "Đây là những yếu tố quan trọng và phải thực hiện đồng thời thì mới phát huy được thế mạnh của nền tảng số. Nếu mà không đồng thời, các bánh xe mà không khớp với nhau thì chúng ta sẽ ngã"
Nhiều doanh nghiệp trên thị trường tham gia chuyển đổi số bị thất bại bởi vì không đồng bộ với những khớp nối khác. Ở góc độ các doanh nghiệp Việt Nam, ông cho rằng họ cần phải phối hợp với các tổ chức như VCCI, đệ trình với Chính phủ về những khuôn khổ chính sách để đảm bảo các hoạt động thương mại điện tử diễn ra thuận lợi. Điển hình như các khuôn khổ pháp lý về quản lý dữ liệu, phương thức thanh toán, nền tảng cở sở hạ tầng, công nghệ thông tin,...
Thêm vào đó, ông cũng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nghiên cứu, xem xét các nền tảng công nghệ ở thế giới như Amazon, Google, Facebook,... để có thể học hỏi và tận dụng các cơ hội.
Phó Giám đốc Vũ Tú Thành nói thêm: "Thực ra Việt Nam đã tham gia vào các nền tảng thị trường từ lâu rồi. Điển hình như WTO là nền tảng đầu tiên mà Việt Nam tham gia về góc độ thương mại".
Ông Thành giải thích: "Bản chất của nền tảng là tập hợp các quy định. Khi Việt Nam tham gia và các nền tảng thị trường thương mại điện tử, chúng ta cần tuân thủ các quy định được đưa ra trước đó. Khi tham gia vào WTO, chúng ta cũng phải tuân theo các quy định trong khuôn khổ của các Hiệp định. Trong tương lai, khi tham gia vào các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, nếu các doanh nghiệp Việt Nam chủ động nắm bắt cơ hội, chúng ta có thể điều chỉnh các quy định để phù hợp với nền kinh tế thị trường"
Tương tự như vậy, ông Thành kết luận, trên các nền tảng công nghệ như Amazon chẳng hạn, khi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia và có đủ kinh nghiệm, họ có thể điều chỉnh các quy định trên những thị trường này.
Q.L