Tiềm năng, cơ hội nào cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số?

(Tổ quốc) Theo mục tiêu chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi số trong từng nghiệp vụ.


Tiềm năng, cơ hội nào cho các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số? - Ảnh 1.

Nguồn ảnh: VTV

Bắt đầu từ ngày 01-07-2022, các doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đều phải sử dụng hóa đơn điện tử. Sau một thời gian triển khai, nhiều doanh nghiệp cho biết việc áp dụng các giải pháp số như hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử vừa giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, đồng thời tăng hiệu quả kinh doanh.

Tại CTCP Xăng dầu Dầu khí Hà Nội, từ đầu năm đến nay công ty này đã xuất hơn 350 nghìn hóa đơn bán lẻ cho khách mua xăng dầu. Trước kia, mỗi năm doanh nghiệp phải mất khoảng 300 triệu đồng mỗi năm để in ấn, thuê kho lưu trữ số hóa đơn, chứng từ giấy. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang hóa đơn điện tử, doanh nghiệp đã giảm được chi phí này. Ông Nguyễn Thành Long, Phó phòng Kế toán CTCP Xăng dầu Dầu khí Hà Nội cho biết: "Theo quy định Thuế chúng tôi phải lưu trữ hóa đơn giấy trong 10 năm, chúng tôi phải thuê kho để sử dụng. Hóa đơn giấy dễ mất mát và hư hỏng trong lưu trữ, khi mà chuyển đổi sang hóa đơn điện tử thì chúng tôi hoàn toàn tránh được rủi ro lưu trữ".

Sử dụng hóa đơn điện tử giúp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời, tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát cho cơ quan quản lý. Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 26-8-2022, tổng số lượng hóa đơn điện tử đã được tiếp nhận và xử lý là hơn 1.148 triệu hóa đơn. Tuy nhiên, 1 trong những khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số là thay đổi tư duy của chủ doanh nghiệp. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hơn 52% doanh nghiệp thừa nhận khó thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh khi chuyển đổi số. Ngoài ra, 52,3% doanh nghiệp thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số.

Đại diện CTCP Dịch vụ T-van Hilo, đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp số tổng thể, từ hóa đơn điện tử, hợp đồng, vé điện tử đến chữ ký số - Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc cho biết "Công ty đã cung cấp dịch vụ cho hơn 50 nghìn doanh nghiệp SME và hơn 200 tổng công ty doanh nghiệp lớn trên cả nước, chúng tôi đã đầu tư trung tâm công nghệ, các nền tảng ứng dụng dịch vụ để đảm nhiệm việc lưu trữ, truyền nhận và cung cấp dịch vụ một cách thuận tiện nhất. Nhưng trong chuyển đổi số, việc số hóa rất đơn giản, nó chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa các nghiệp vụ, còn cái chuyển đổi tư duy, và cách thức vận hành, sử dụng mới là quan trọng". Theo Hilo, trước đây các mô hình quản trị của Việt Nam đang triển khai theo hướng hình cây, phân cấp phòng ban, trung tâm rồi mới tới các đơn vị nghiệp vụ, chúng tôi định hướng sẽ cùng doanh nghiệp triển khai các mô hình linh hoạt, tập trung vào sự tương tác giữa các thành viên để đảm bảo đưa ra các quyết định nhanh trong thời gian ngắn, phù hợp với yêu cầu về trải nghiệm người dùng.

Đồng tình với việc chuyển đổi số cần thực hiện đồng bộ, Ông Đỗ Minh Hoàng, Phó Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp ABIC cho biết doanh nghiệp đã áp dụng đồng bộ cả hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử và chữ ký số trong quy trình bán bảo hiểm. Theo ông Hoàng, Trước kia phải thành lập riêng bộ máy hình thành ra để quản lý hóa đơn giấy, rồi quy trình giấy, riêng trong khâu chuyển sang hóa đơn điện tử giảm thiểu được 90% quy trình, còn nay tích hợp trong quy trình kinh doanh thì giảm 20% thao tác của người lao động.

Tiềm năng, cơ hội nào cho các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số? - Ảnh 2.

Nguồn ảnh: VTV

Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ T-van Hilo cũng cho biết các giải pháp số sẽ nâng cao năng suất lao động và rút ngắn thời gian làm việc. Đơn cử như với việc triển khai thu phí không dừng VECT. Hilo hiện triển khai cho trên 80 trạm BOT trên tổng số 118 trạm thu phí đã triển khai lắp đặt hệ thống vé điện tử trên toàn quốc, với hơn 3 triệu phương triện qua lại, nên việc triển khai hệ thống thu phí không dừng bằng công nghệ sẽ tiết giảm thời gian, nhưng đơn vị cung cấp phải đảm bảo dịch vụ thông suốt, an toàn, thuận tiện cho khách hàng.  Ông Vũ tính toán, áp dụng chuyển đổi số đúng có thể rút ngắn thời gian triển khai 1 nền tảng ứng dụng từ khoảng 6 tháng, xuống chỉ còn 1 tháng.

Hiện nay, trên cả nước chỉ có rất ít tổ chức được phép truyền nhận dữ liệu tới Tổng cục thuế, khoảng 23 doanh nghiệp được Bộ thông tin truyền thông được phép cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng và 67 doanh nghiệp được Tổng cục Thuế chấp thuận điều kiện cung cấp dịch vụ giải pháp hóa đơn điện tử. Với tiềm năng từ thị trường, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, cụ thể như CTCP Dịch vụ T-van Hilo doanh thu dự kiến năm 2022 đạt khoảng 55 tỷ đồng, cùng với hệ sinh thái đa dạng sản phẩm, Công ty dự kiến vượt mức doanh thu 200 tỷ vào năm 2023. Cùng với đó là kế hoạch tham gia thị trường chứng khoán trong năm sau.

Tiềm năng, cơ hội nào cho các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số? - Ảnh 3.

Thực hiện triển khai hóa đơn điện tử tại các địa phương (ảnh minh hoạ)

Chương trình chuyển đổi số Quốc gia cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tham gia vào nền tảng số phải đạt trên 50%, đến 2030 thì đạt trên 70% SMEs toàn quốc. Với lộ trình này, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thay đổi thói quen, tìm kiếm các đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp số phù hợp để giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh./.

Hoa Trà

Tin mới