(Tổ Quốc) - Trong nhiều năm tham gia thị trường chứng khoán, tôi đã nếm đủ cả thành quả ngọt ngào và trái đắng, dần học được cách đầu tư dài hạn dựa trên yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp…
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Cảng Hải Phòng, ngay từ khi học cấp 3 tôi đã bắt đầu nghe thấy những người bạn của bố mẹ thi thoảng rỉ rả nói những câu chuyện về đầu tư chứng khoán, cổ phiếu này kia. Ngày ấy trong suy nghĩ non nớt của một cô học sinh cấp 3 thì chứng khoán chỉ là những con số tăng giảm nhảy múa được nhắc đến qua tivi và báo đài.
Sau khi lên đại học, tôi học chuyên ngành kinh tế nhưng lúc đó những hiểu biết về chứng khoán của tôi vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Kỳ học cuối cùng trên trường đại học, tôi có tình cờ được một người em họ giới thiệu cho tôi về công việc của em ấy, là làm việc trong một công ty chứng khoán.
Tôi nghe câu chuyện chăm chú và tại thời điểm đó tôi đã không ngờ rằng câu chuyện vô tình của người em họ - chính là bước ngoặt lớn để đưa tôi biết tới thị trường chứng khoán, được đắm chìm trong công việc và cả đam mê về đầu tư từ đó tới tận bây giờ.
Tôi bắt đầu xin việc tại công ty chứng khoán FPT ngay khi ra trường. Khi may mắn được công ty nhận vào làm học việc, tôi đã chăm chú nhìn các anh chị xung quanh để quan sát và học theo.
Đến giờ nếu nhìn lại chặng đường này, tôi chỉ muốn nói 2 từ "biết ơn" khi bản thân được làm việc, được đầu tư và được đắm mình cùng thị trường trong nhiều năm qua.
Nhớ lại về lần đầu tư đầu tiên, có lẽ sau khoảng 1 tháng khi vào làm công ty chứng khoán, tôi đã dồn toàn bộ tiền tiết kiệm mà mình đi làm thêm từ hồi đại học để đầu tư. Trong nghề của chúng tôi, chỉ có đắm chìm và say mê cùng thị trường thì mới có thể tư vấn tốt được cho các khách hàng.
Số tiền tiết kiệm lúc đó vào khoảng hơn 160 triệu đồng và trong phi vụ đầu tư đầu tiên tôi đã dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm vào mã "hàng nóng" SPI do nghe theo tin đồn mà không có bất kì một kiến thức phân tích chắc chắn nào hết. Tôi mua giá 7 và chỉ chưa đến 2 tuần cổ phiếu đã lên tới giá 9, và thật khủng khiếp khi thời gian sau đó cổ phiếu nằm sàn không thanh khoản và rơi không ngừng về 3. Lúc đó tôi đã mất một nửa số tiền tiết kiệm của mình, khi quy ra tiền thuê nhà thời điểm đó, tôi đã tiếc và trằn trọc không ngủ được suốt cả tuần lễ.
Một trong những bài học đầu tiên của tôi chính là "Mọi sự chủ quan và thiếu kiến thức đều phải trả giá bằng tiền hoặc rất nhiều tiền".
2 tháng sau, tôi liên tục mày mò và tự học các kiến thức về phân tích kĩ thuật. Gần 5 tháng sau phi vụ lỗ đầu tiên tôi mới dám bắt đầu lại. Thời điểm sau đó nhờ phân tích kĩ thuật, tôi lướt sóng rất nhanh theo sóng cổ phiếu đầu cơ, tôi tham gia vào những mã cổ phiếu rất nóng nhưng khi đó tôi đã biết thế nào là đủ, tôi rút ra khi chớm có tín hiệu xấu theo phân tích kĩ thuật mà mình tự học được.
Khi đã được gấp nhiều lần số vốn bỏ ra ban đầu khi bước chân vào thị trường trong thời gian ngắn, lúc đó tôi đã từng suy nghĩ "Đầu cơ chính là con đường phù hợp nhất với mình" tại thời điểm đó.
Tôi nghiệm ra rằng mặc dù việc đầu cơ không khác gì ngồi trên ghế điện nhưng nó mang lại nhiều cung bậc cảm xúc, rất hấp dẫn nhưng đòi hỏi nhà đầu tư về sức khoẻ và kỹ năng rất cao.
Đầu cơ là tuyệt đỉnh của thị trường chứng khoán, tạo nên vẻ đẹp của thị trường. Nhưng để đầu cơ cần có kiến thức, thành thạo phân tích kỹ thuật, chứ nếu dựa vào người khác sẽ dễ trắng tay.
Khi bắt đầu với số vốn ít ỏi tại thời điểm thị trường không mấy thuận lợi, chính những kiến thức được học từ phân tích kĩ thuật đã giúp tôi bẩy nhanh số tài sản ít ỏi của mình trong thời gian ngắn.
Tôi cũng cho rằng đầu tư chứng khoán cũng giống lái xe ra đường, rủi ro là điều ai cũng phải gặp. Khi mới đầu tập lái, bạn sẽ vấp ngã vài lần nhưng rồi cũng sẽ quen. Vì thế, nên chuẩn bị kỹ và luôn thận trọng, tránh để mất vốn.
Để tránh phải trả giá bằng tiền thật như tôi, đơn giản nhất là bạn có thể mua nhiều cuốn sách đầu tư về đọc, học qua mạng từ các chuyên gia, để xem bản thân hợp với trường phái nào (đầu tư tăng trưởng, giá trị hay lướt sóng), sau đó mới mở tài khoản và nạp số tiền nhỏ để trải nghiệm cách đặt lệnh, học phương pháp quản trị vốn (cắt lỗ và chốt lãi...).
Với đam mê đầu tư, mỗi tháng khi có lương từ công ty đổ về và thu nhập thêm từ công việc tay trái bên ngoài, tôi đều dồn 1/3 tổng số thu nhập đều đặn vào tài khoản chứng khoán để tạo thành thói quen mua cổ phiếu tích sản, thói quen đó vẫn được tôi duy trì đều đặn ở cả hiện tại. Cùng giai đoạn đó tôi đã vay thêm tiền từ người thân ruột thịt.
Dựa trên phân tích kĩ thuật và cả thông tin trên thị trường về 1 cuộc thâu tóm giữa DRH và KSB, tôi đã tính toán kĩ lưỡng dồn toàn bộ số tiền thời điểm bấy giờ để đầu tư DRH, sau chỉ 3 tháng ngắn ngủi tài sản tôi đã tăng lên gấp 4.
Tôi vẫn nhớ như in vào ngày 12/7 năm ấy, khi cổ phiếu có xuất hiện tín hiệu khớp lệnh liên tục trên bảng giá và lực bán đẩy mạnh xuống rồi lại vọt lên co giật, tôi đã chột dạ, nhìn lại đồ thị kĩ thuật và rồi sau đó quyết định enter bán hết cổ phiếu ở mức giá gần sàn. Ngay sau đó 1 tiếng cổ phiếu lại tiếp tục đẩy từ sàn lên trần và sau đó 2 ngày giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh cho tới ngày 15/7 bắt đầu cho chuỗi ngày rơi thẳng đứng không thanh khoản kéo dài hơn 1 tháng sau đó.
Mặc dù đã thoát cơn bão tố trong phút chót, nhưng những ngày tháng sau đó tôi đã không khỏi hoang mang và tự hỏi bản thân nếu 3 phiên đó mình không bán hết thì chắc hẳn điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với toàn bộ số tiền mình có và cả tiền vay mượn.
Sau khi trả lại cho người thân số tiền gốc, tôi bắt đầu suy nghĩ lại về một phương pháp đầu tư an toàn hơn và quan trọng là khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Khi có một số vốn lớn hơn so với thời điểm ban đầu, bắt buộc tôi phải suy nghĩ rất nhiều đến việc quản trị rủi ro, sự thanh thản trong việc đầu tư - hơn là việc kiếm được lợi nhuận nhanh chóng trên thị trường.
Trước cơn sóng năm 2017, tôi đã lựa chọn được cổ phiếu ngân hàng ACB và dành trọn hơn 1 năm sau đó để nắm giữ. Thời điểm đó thị trường đang rất tốt, cộng với việc sử dụng hết mức margin nên tôi đã đạt được mục tiêu tài sản sớm hơn dự tính.
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất khi tham gia thị trường chứng khoán là nhà đầu tư phải tìm được cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh thành công, hay chính xác hơn là những cổ phiếu cơ bản có nền tảng đủ tốt. Khi đã chọn được những cổ phiếu này thì việc lên xuống của thị trường sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại.
Tôi dành nhiều giờ mỗi tối tự học thêm về đánh giá doanh nghiệp theo cơ bản, nghiên cứu các loại báo cáo của doanh nghiệp như báo cáo thường niên, báo cáo quý, thêm vào đó tôi đọc rất nhiều bản báo cáo tài chính và thu nhập của doanh nghiệp mà mình đang định mua và các báo cáo của các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành đó, bởi nó sẽ giúp cho tôi trong việc so sánh kết quả kinh doanh, tình hình lợi nhuận của các doanh nghiệp đó với nhau.
Tôi cũng hiểu ra rằng: "Đầu tư chứng khoán không chỉ là 3 chữ cái trên bảng điện tử mà đằng sau nó là hàng loạt những phân tích chuyên sâu về doanh nghiệp từ phân tích báo cáo tài chính, hiệu quả kinh doanh, các dự án doanh nghiệp triển khai. Bên cạnh đó, không chỉ có phân tích kỹ thuật mà còn phải rất chắc về phân tích cơ bản, các mô hình định giá nữa".
Kết thúc năm đó, thị trường tăng tới 60% và về cơ bản tôi đã đạt được mục tiêu của mình vào năm này. Năm đó các nhà đầu tư khác cũng như tôi cực kỳ hân hoan và thỏa mãn vì thành công trên thị trường và kiếm tiền quá dễ và đã cực kỳ chủ quan chuẩn bị cho năm 2018 sắp tới.
Năm 2018, khi thị trường bắt đầu tạo đỉnh và đảo chiều tôi đã mất toàn bộ 30% tổng lợi nhuận kiếm được sau vài năm lăn lộn. Tôi bán toàn bộ cổ phiếu của mình và quyết định rút hết tiền đi gửi tiết kiệm, nghỉ ngơi một thời gian.
Trải qua chuỗi ngày đó, tôi đã nghiệm ra rằng tất cả chúng ta đều từng chí ít một vài lần phải đối diện với sự thua lỗ, không cách nào ta có thể tránh khỏi được điều này đơn giản chẳng có hệ thống giao dịch nào có thể thắng mãi được "ngài thị trường". Và chẳng có gì để mỗi nhà đầu tư phải xấu hổ hay có cảm giác sợ hãi khi thua bởi vì cách ta đối mặt với thua lỗ sẽ quyết định bạn sẽ thành công hay sẽ tiếp tục thất bại trên con đường về sau.
Đã bước chân vào thị trường chứng khoán, bản thân mỗi chúng ta bắt buộc phải chấp nhận và đối mặt với những nghịch cảnh, và không phải ai cũng gượng dậy được sau những cơn "bão tố" này.
Mặc dù không còn đầu tư nhưng do niềm đam mê cùng với tính chất công việc, tôi vẫn luôn theo sát thị trường và cập nhật, tự đưa ra phân tích thông tin doanh nghiệp thường xuyên.
Qua tết năm 2019 tôi bắt đầu quay lại đầu tư bằng 1 nửa số vốn của mình và chắt chiu các cơ hội có được lúc bấy giờ, tính đến hết năm tôi kiếm được thêm 26% tổng lợi nhuận cho tới trước cú sập vì Covid, gần đủ để bù lại số lỗ lớn vào năm 2018.
Tại thời điểm tháng 03/2021, khi toàn thị trường ngập trong nỗi sợ hãi tột độ, lúc đó mặc dù rất hoang mang nhưng do đã quá trễ, không thoát kịp trước khi thông tin đại dịch bùng phát, tôi quyết định "liều" nắm giữ 1 loạt các mã cổ phiếu cơ bản mà tôi tự đánh giá là doanh nghiệp tốt mình đã đầu tư.
Và chỉ sau 1 tháng rơi kỉ lục, thị trường tạo đáy và bắt đầu chuỗi ngày thăng hoa đối với mọi nhà đầu tư trên thị trường.
Cho tới thời điểm hết năm 2021, tôi và rất nhiều nhà đầu tư, anh em, bạn bè xung quanh đã kiếm được một khoản lợi nhuận rất tốt, đạt được sớm hơn kế hoạch về mục tiêu tài sản đề ra trong những năm dịch bệnh khó khăn.
Tôi đã hiện thực hóa 1 phần khoản lợi nhuận bằng việc đầu tư thêm bất động sản, kinh doanh thêm một mảng khác, phát triển dự án công nghệ về chứng khoán mà tôi ấp ủ…
Năm 2022 hiện tại thị trường phân hóa hơn, nhiều sự kiện nóng xảy ra gần đây nhưng tôi tin những doanh nghiệp cơ bản tốt, tăng trưởng và có tiềm năng hồi phục kinh doanh nhanh sau dịch bệnh vẫn sẽ là điểm đến của dòng tiền.
Theo quy luật, có lẽ sau thời hậu khủng hoảng, một đợt bùng nổ mới lại đến. Trong cuộc sống cũng thế, nỗi đau của những đổ vỡ rồi sẽ nhạt phai, sau đó là cơ hội cho những điều mới tốt đẹp hơn. Bước tiếp theo cần làm là đặt ra mục tiêu thay đổi hoàn cảnh hiện tại. Hãy đưa ra những đích đến mới sau những đau thương đã trải qua. Hiểu doanh nghiệp mình đầu tư, cùng với đó là một kế hoạch giúp tôi vượt qua nghịch cảnh mà thị trường vừa dành tặng.
Qua những biến cố, tôi nghĩ khi mọi thứ trở nên tồi tệ nhất, đó thường là dấu hiệu cho thấy gió sắp đổi chiều. Thực tế, vào thời khắc mặt trời sắp xuất hiện là lúc màn đêm trở nên đen tối nhất. Khi mọi nhà đầu tư bán sạch cổ phiếu trong cơn khủng hoảng thì một kỳ tích nào đó sẽ xuất hiện và đẩy giá lên cao.
Trong một bộ phim, trước cái kết có hậu, người anh hùng thường phải trải qua một giai đoạn vô vọng. Đó chính là cuộc sống. Vấn đề là rất nhiều người từ bỏ ở ngay điểm đen tối nhất nên không bao giờ có cơ hội ngắm nhìn bình minh.
Với vai trò là một người tư vấn tài chính chuyên nghiệp, đồng thời là một nhà đầu tư cá nhân rất đam mê thị trường, điều tôi đúc kết ra trước mỗi quyết định đầu tư chúng ta nên xác định các mục tiêu và làm rõ những quan điểm của mình.
Trước khi ra quyết định, hãy đánh giá cả rủi ro lẫn lợi nhuận tiềm năng của cổ phiếu đó, hãy so sánh việc đầu tư vào cổ phiếu có lợi hay không và các chứng khoán khác có lợi hơn loại chứng khoán mình đã chọn hay không?
Bởi nếu trong thị trường khắc nghiệt, nếu không quyết đoán và thiếu sự chắc chắn thì chính chúng ta sẽ là nạn nhân tiềm năng của thị trường, người sẽ từ bỏ mọi hy vọng và lý lẽ vào thời khắc cam go nhất để chấp nhận bán lỗ cổ phiếu vào thời điểm giá của chúng thậm chí chạm đáy.
Tôi học được từ những người anh lớn, những khách hàng đầu tư lâu năm xung quanh tôi. Chúng tôi đã hiểu ra rằng chính sự chuẩn bị kĩ càng trong mỗi phi vụ đầu tư, cũng như những kiến thức đúc kết và sự nghiên cứu một cách nghiêm túc sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những cơn lốc xoáy bất ngờ.
Cuối cùng, cả thị trường chứng khoán lẫn bản thân các công ty đều không thể quyết định số phận của một nhà đầu tư. Người duy nhất có thể làm việc đó chính là bản thân nhà đầu tư mà thôi.
Đầu tư chứng khoán không phải là một cuộc chơi, sàn chứng khoán không phải là sòng bạc. Đã bỏ tiền ra dù đầu tư cái gì, bạn phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình và nghiêm túc thật kĩ lưỡng. Tôi luôn ghi nhớ bài học từ ngày đầu tiên này cho đến tận ngày hôm nay.
1 tỷ đã có trong tay nhưng sao có thể để tiền nằm yên không dịch chuyển. Tuổi trẻ là sự liều lĩnh đầu tư lớn để nhận về thành quả Tiền đẻ ra tiền cùng nhiều bài học giá trị. Đó cũng chính là chủ đề 2 của Làm giàu tuổi 20 - cuộc thi sáng tạo nội dung đầu tiên khai thác về chủ đề Tài chính Giới trẻ.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi bài dự thi về BTC qua:
Website: Làm giàu tuổi 20
Email lamgiautuoi20@vccorp.vn
Fanpage Kenh14.vn và CafeF
Chủ đề Giải nhất" sẽ diễn ra từ 23/3/2022 đến 12/4/2022 với nhiều giải thưởng hấp dẫn:
Giải Yêu thích do độc giả chọn: Kỷ niệm chương và 20.000.000 VND
Giải yêu thích do BGK lựa chọn:: Kỷ niệm chương và 2.000.000 VND
Làm giàu tuổi 20 Kỷ niệm chương và 3.000.000 VND
Các bài dự thi chất lượng sẽ được đăng tải trên 2 trang tin CafeF và Kenh14.vn
Cuộc thi được đầu tư thực hiện, phối hợp tổ chức bởi Kenh14.vn, CafeF cùng đơn vị đồng hành SSI và sự góp mặt đặc biệt bởi các khách mời là Chuyên gia tài chính uy tín, những người có tầm ảnh hưởng và đam mê về lĩnh vực tài chính. Mọi thông tin chi tiết xem tại đây
.
Lê Thu Hằng - Trưởng phòng tư vấn đầu tư – Công ty cổ phần chứng khoán FPT - Thiết kế: Hải An