(Tổ Quốc) - Theo đánh giá của CTCK SSI trong Báo cáo cập nhật triển vọng ngành Ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận quý I/2022 bình quân của một số ngân hàng tương đối thấp, chỉ tăng 9-11% so với cùng kỳ năm ngoái. Song cũng có không ít ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân khoảng 25% -27% so với cùng kỳ.
Các ngân hàng được tổ chức này kỳ vọng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất đó là LienVietPostBank, Sacombank, VPBank… Một trong những yếu tố chính khiến các ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong kỳ chính là tín dụng bán lẻ của ngân hàng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Theo thống kê, năm 2021 tỷ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40% - 50%, cá biệt có TCTD tỷ lệ cho vay cá nhân đã chiếm 60-80% tổng dư nợ. Các hình thức cho vay cá nhân ngày càng phát triển với thủ tục đơn giản, thuận tiện. Bên cạnh đó, các sản phẩm thẻ, chuyển tiền, ngân hàng điện tử, thanh toán hóa đơn, bảo hiểm,... cũng được các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình, chính sách và khuyến mãi để thu hút người dùng. Nhờ vậy, dư nợ cho vay bán lẻ của các TCTD ngày càng cao và chiếm tỷ lệ khoảng 30% - 50% tổng dư nợ cho vay khách hàng (đối với ngân hàng lớn và trung bình).
Cũng nhờ tăng trưởng tín dụng bán lẻ ấn tượng các ngân hàng đã giữ được tốc độ tăng trưởng, vững vàng vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng, hỗ trợ khách hàng trong lúc khó khăn. Điển hình như VIB tăng trưởng tín dụng đạt 24% trong năm 2021 trong đó cho vay bán lẻ đóng góp gần 90% danh mục tín dụng. Hay như LienVietPostBank, kết thúc năm 2021, ngân hàng này đạt được mức tăng trưởng tín dụng bán lẻ ấn tượng với mức tăng 30% so với năm 2020, chiếm 74% trong tổng tăng trưởng tín dụng toàn hàng với các dòng sản phẩm chủ lực như cho vay sản xuất kinh doanh tăng trưởng 43%; cho vay nông nghiệp nông thôn tăng 61%. Có được kết quả tích cực trên, lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ, với lợi thế hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch lớn rộng khắp, phủ đến cấp huyện, ngân hàng có thể khai thác khách hàng tại tất cả các địa bàn, nhất là khu vực nông thôn. Do vậy, việc giãn cách xã hội trong thời gian dài tại một số tỉnh thành không tác động lớn đến hoạt động của LienVietPostBank. Ngân hàng tiếp tục tận dụng tốt lợi thế này để triển khai đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm cho vay cá nhân sản xuất kinh doanh, cho vay nông nghiệp nông thôn, và cho vay các đối tượng khách hàng hưởng lương ngân sách nhà nước có thu nhập ổn định.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, tín dụng bán lẻ cũng là chìa khóa để ngành Ngân hàng thực hiện được nhiệm vụ giữ cho huyết mạch của nền kinh tế thông suốt trong mọi thời điểm, kể cả thời kỳ cao điểm của đại dịch.
Nắm bắt xu thế đó, nhất là đứng trước làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ từ ngân hàng số thế hệ mới (neobank), các siêu ứng dụng, thời gian gần đây các ngân hàng chủ động tham gia vào cuộc đua trải nghiệm khách hàng với việc tung ra nhiều sản phẩm mang tính đột phá. Như LienVietPostBank đã ra mắt Phòng Giao dịch Số Thông minh (Digital Branch) mang tới cho khách hàng trải nghiệm khác biệt hoàn toàn so với các phòng giao dịch ngân hàng truyền thống. Tại đây khách hàng được trực tiếp sử dụng các dịch vụ ngân hàng với các thủ tục được số hóa với công nghệ hiện đại và mang tính bảo mật cao như nhận diện khách hàng bằng Camera AI, tự động xếp hàng chờ giao dịch, đăng ký dịch vụ hoàn toàn bằng mẫu biểu thông minh và thanh toán qua hệ thống thẻ thông minh không tiếp xúc… "Từ khía cạnh lấy khách hàng làm trung tâm, ngân hàng tập trung vào 2 yếu tố trọng điểm là tăng tương tác với khách hàng và gia tăng trải nghiệm của khách hàng trên tất cả các nền tảng giao dịch số và kinh doanh số", lãnh đạo LienVietPostBank chia sẻ về ý tưởng thành lập Phòng giao dịch số.
Tuy nhiên, để ngân hàng bán lẻ thực sự trở thành động lực giúp ngân hàng bứt phá trong giai đoạn "bình thường mới", Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra 2 nhóm giải pháp cho các TCTD và cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, các TCTD cần thay đổi, cập nhật chiến lược, chính sách, quy trình; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ngân hàng mở để thích ứng linh hoạt với điều kiện bình thường mới và nhu cầu mới của khách hàng; đẩy mạnh tự động hóa, số hóa; tiết giảm chi phí, cải thiện hiệu quả hoạt động; đầu tư công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, nhân sự số và kỹ năng số phổ cập. Đồng thời chú trọng quản lý rủi ro mới, rủi ro an ninh mạng, dữ liệu; tích cực đề xuất, góp ý hoàn thiện cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN và bộ, ngành liên quan...
Cùng với đó, Chính phủ, NHNN cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy phục hồi và tận dụng cơ hội chuyển đổi số, tiền kỹ thuật số, ngân hàng xanh với cách tiếp cận phù hợp; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp và ngành ngân hàng…
Ánh Dương