(Tổ Quốc) - Theo Tổng cục Thống kê, một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát như: Thanh Hóa tăng 17,3%; Bắc Ninh tăng 19,9%; Quảng Nam tăng 22,4%; Bình Phước tăng 22,6%; Hà Giang tăng 25,8%... Đặc biệt, IIP tại Bắc Giang tăng tới 45,7%, cao nhất cả nước.
IIP các ngành trọng điểm cấp II tăng cao
Theo Báo cáo Kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng Tổng cục Thống kê công bố mới đây, trong mức tăng chung của IIP, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2021 tăng 12,5%), đóng góp 7,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,1%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, sản xuất trang phục tăng 22%; sản xuất thiết bị điện tăng 20,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 16,8%; khai thác than cứng và than non, sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 13,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 11,2%.
Riêng trong tháng 5, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5%; ngành khai khoáng tăng 4,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,4%.
Bắc Giang dẫn đầu cả nước về IIP
Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi do dịch Covid-19 được kiểm soát. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 17,2%; Hà Tĩnh giảm 7,5%).
Một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát như: Thanh Hóa tăng 17,3%; Bắc Ninh tăng 19,9%; Quảng Nam tăng 22,4%; Bình Phước tăng 22,6%; Hà Giang tăng 25,8%... Đặc biệt, IIP tại Bắc Giang tăng tới 45,7%, cao nhất cả nước.
Những thành thích đáng ghi nhận trong sản xuất công nghiệp đã góp phần quan trọng đưa Bắc Giang trở thành địa phương dẫn đầu về tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm.
Mới đây, Cổng thông tin điện tử Bắc Giang đưa tin, theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Bắc Giang quý I/2022 đạt trên 15%, quý II đạt trên 36% và 6 tháng đầu năm ước trên 24% dẫn đầu cả nước.
Bắc Giang cũng lọt vào top 10 địa phương thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất cả nước đầu năm 2022.
Bắc Giang là một trong số những địa phương từng chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 trong năm 2021. Trong giai đoạn dịch cao điểm vào quý II/2021, UBND tỉnh Bắc Giang từng cho biết tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, ước tính mỗi ngày giảm trên 2.000 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất công nghiệp; trên 140.000 lao động ngừng việc; trong đó, hơn 60.000 lao động ngoại tỉnh.
Tuy nhiên, Bắc Giang đã tận dụng tốt cơ hội sau khi kiểm soát dịch bệnh, nhờ đó nền kinh tế nhanh chóng trở lại chu kỳ tăng trưởng từ quý III/2021.
Những năm gần đây, Bắc Giang liên tục đón được nhiều dự án đầu tư lớn. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến dự án Nhà máy Fukang Technology của nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd có trụ sở chính tại Singapore đầu tư thực hiện tại KCN Quang Châu. Nhà máy này sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.233 tỷ đồng tương đương 270 triệu USD.
Ông Trác Hiến Hồng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải tại Việt Nam, đại diện nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd cho biết dự án này sẽ sản xuất máy tính bảng và máy tính xách tay này sẽ phục vụ việc sản xuất các sản phẩm cho Tập đoàn Apple.
Đầu năm 2022, CapitaLand Development (CLD), nhánh kinh doanh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh Bắc Giang về dự án xây dựng khu đô thị - công nghiệp – logistics đầu tiên tại Việt Nam.
Trong dự án lần này, CLD và tỉnh Bắc Giang sẽ đẩy mạnh phát triển dự án với tổng giá trị cam kết đầu tư 1 tỷ USD, khoảng 22.700 tỷ đồng. Dự án có quy mô trên 400 ha, tạo ra cơ hội việc làm cho hơn 20.000 lao động. CLD và UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện nghiên cứu, đánh giá quỹ đất tiềm năng bao gồm dự án khu đô thị dọc Sông Cầu và khu công nghiệp - logistics lân cận tại huyện Việt Yên.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI đang giúp địa phương chuyển mình rõ rệt. Hiện nay, mức lương công nhân bình quân tại Bắc Giang dao động từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Sự đổ bộ đầu tư của các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn lớn cũng kéo theo chuỗi công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Thái Quỳnh