(Tổ Quốc) - Tính đến nay, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn duy trì rót tiền đầu tư vào Việt Nam. Tỉnh được Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư nhiều nhất nằm tại khu vực miền Trung.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với gần 56,7 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với gần 40 tỷ USD (chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 39,1 tỷUSD (chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư).
Tính đến này, đã có 143 nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 81,5 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 73 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc).
Trong nhiều năm qua, Đài Loan (Trung Quốc) liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2022, Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào Việt Nam khoảng 1,35 tỷ USD với 86 dự án cấp mới, xếp thứ 6 trong tổng số các nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam.
4 tháng đầu năm 2023, Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 594,48 triệu USD với 50 dự án cấp mới. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt khoảng 328,17 triệu USD; giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt khoảng 142,30 triệu USD.
Tính đến 20/4/2023, lũy kế tổng vốn đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam đạt 37,01 tỷ USD với tổng 2.959 dự án. Với số vốn này, Đài Loan (Trung Quốc) hiện xếp thứ 4 trong danh sách các nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Về lĩnh vực đầu tư, các dự án đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm hơn 80% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ hai là lĩnh vực xây dựng; tiếp theo là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản. Còn lại là những ngành khác.
Theo địa bàn đầu tư, Đài Loan (Trung Quốc) hiện đã có đầu tư tại hơn 55 tỉnh thành phố của Việt Nam. Hà Tĩnh là địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt hơn 11 tỷ USD, chiếm 30% lũy kế tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ hai là Bình Dương tổng vốn đầu tư đạt hơn 6 tỷ USD, chiếm hơn 16 % lũy kế tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là Đồng Nai tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, chiếm hơn 13% lũy kế tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, TP. Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó đặc khu hành chính Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào Việt Nam, còn đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đã rót vốn đầu tư. Cụ thể, Hồng Kông (Trung Quốc) đã đầu tư 30,1 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 5 trong tổng số các nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Còn Trung Quốc có lũy kế tổng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt 24,06 tỷ USD, xếp thứ 6 trong tổng số các nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam.
Những năm gần đây, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể, liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn. Nếu như các giai đoạn trước dòng vốn của Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và sản xuất hàng tiêu dùng với quy mô nhỏ là chủ yếu, thì thời gian gần đây đã có sự chuyển dịch mạnh, thay đổi đáng kể trong lĩnh vực đầu tư.
Dòng vốn FDI của Trung Quốc tập trung vào nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, xơ sợi đến nhiệt điện, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp…
Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có nhiều dự án tại các khu công nghiệp. Một số khu công nghiệp được các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư như: khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Minh Tiến