(Tổ Quốc) - Trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu 4,07 tỷ USD.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng Ba ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7% . Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ ngành và địa phương cùng với với sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2023 ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD.
Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7%.
Trong quý I năm 2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 70,24 tỷ USD, chiếm 88,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 6,07 tỷ USD, chiếm 7,7%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,79 tỷ USD, chiếm 2,3%.
Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%.
Trong quý I năm 2023 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6%).
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.
Trong quý I năm 2023, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 6,9 tỷ USD, giảm 10,1%; nhập siêu từ Trung Quốc 12,1 tỷ USD, giảm 15,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 6,3 tỷ USD, giảm 40,1%; nhập siêu từ ASEAN 2 tỷ USD, giảm 46,3%; nhập siêu từ Nhật Bản 158,5 triệu USD, giảm 66,4%.
Cán cân thương mại hàng hóa trong quý 1 thặng dư 4,07 tỷ USD. Xét trong 63 tỉnh, thành 5 địa phương xuất siêu lớn nhất trong năm 2023 gồm có: Thái Nguyên, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai và Bắc Giang.
Thái Nguyên là địa phương xuất siêu lớn nhất trong 63 tỉnh, thành. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2023, Thái Nguyên xuất siêu 3,04 tỷ USD. Theo đó, Thái Nguyên là tỉnh duy nhất xuất siêu trên 3 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2023.
Theo Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên, giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch lớn. Khu vực kinh tế trong nước đạt 171,5 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,4 tỷ USD, giảm 6,1%.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, máy tính bảng đạt 486,3 triệu USD, giảm 35,1%; sản phẩm điện tử khác và phụ tùng đạt 4,95 tỷ USD, giảm 8,5%; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 69,7 triệu USD, giảm 14,6%; sản phẩm từ sắt, thép đạt 8,7 triệu USD, giảm 18,6%...
Có 3 nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt cao hơn so với cùng kỳ, gồm: Sản phẩm may đạt 132,6 triệu USD, tăng 23%; điện thoại thông minh đạt trên 2 tỷ USD, tăng 14%; phụ tùng vận tải đạt 1,7 triệu USD, tăng 8,1%.
Minh Tiến