(Tổ Quốc) - Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch. Trong đó, tỉnh giải ngân vốn đầu tư công cao nhất đạt trên 38% trong 4 tháng đầu năm 2023.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2023 là 110.633,6 tỷ đồng, đạt 14,66% kế hoạch (đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 17,09% kế hoạch và đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, vốn trong nước là 108.877,97 tỷ đồng (đạt 14,98% kế hoạch và đạt 16,03% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vốn nước ngoài là 1.755,6 tỷ đồng (đạt 6,28% kế hoạch).
Tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%); trong đó vốn trong nước đạt 16,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,57%), vốn nước ngoài đạt 6,28% (cùng kỳ năm 2022 đạt 3,25%).
Có 47/52 Bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.
Có 3 Bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (38,3%), Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%).
Theo đó, Đồng Tháp là tỉnh giải ngân vốn đầu tư công cao nhất 4 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, Đồng Tháp giải ngân được 2.290 nghìn tỷ đồng. đạt 38,3% so với kế hoạch và đạt 40,57% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm 2023, Đồng Tháp phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Để đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 đã đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, gắn với các giải pháp, kế hoạch cụ thể cho từng công việc phù hợp theo tình hình thực tế của đơn vị.
Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp đã chủ động rà soát thủ tục Dự án hạ tầng cửa khẩu quốc tế Thường Phước và cửa khẩu Mộc Rá thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp theo sát tiến độ thực hiện Dự án hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp (giai đoạn 3), thường xuyên đánh giá hiệu quả đầu tư các hạng mục phù hợp tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như: Quốc lộ 30 đoạn Tuyến tránh TP. Cao Lãnh, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Tuyến ĐT857, Tuyến ĐT845, nâng cấp đường ĐT841 và xây dựng mới cầu Sở Thượng 2…
Đặc biệt, Đồng Tháp xác định, muốn giải ngân tốt thì khâu chuẩn bị đầu tư dự án phải tốt. Do đó, hiện nay tỉnh đã bắt tay chuẩn bị thủ tục cho kế hoạch năm 2024. Tinh đã yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục bố trí vốn đối với các công trình dự kiến khởi công mới năm 2024 chậm nhất ngày 30/6/2023, nhất là các dự án có sử dụng vốn lớn, dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh điều phối nguồn cung ứng cát cho các công trình sử dụng vốn đầu tư công.
Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tốt nhất; đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý các Chủ đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch hoặc được Trung ương thu hồi vốn.