Tỉnh miền núi được đại gia Nhật Bản lên kế hoạch xây dựng nhà máy hơn 4.600 tỷ đồng đang có tình hình kinh tế ra sao?

(Tổ Quốc) - Mới đây, một trong những Tập đoàn đứng đầu thế giới về sản xuất bản mạch điện tử đến từ Nhật Bản đã đề xuất dự án đầu tư nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử, vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD tại KCN Bờ trái sông Đà, thành phố Hòa Bình.

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long đã có buổi tiếp và làm việc với ông Atsushi Sakate, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn Meiko Nhật Bản. Được biết, Tập đoàn Meiko Nhật Bản là một trong những Tập đoàn đứng đầu thế giới về sản xuất bản mạch điện tử và lắp ráp các bản mạch điện tử hoàn chỉnh với 5 nhà máy tại Nhật Bản, 2 nhà máy tại Trung Quốc và các văn phòng đại diện, công ty con trên khắp thế giới.

Tại buổi làm việc, ông Atsushi Sakate đề xuất dự án đầu tư nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử, vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD tại KCN Bờ trái sông Đà, thành phố Hòa Bình. Hiện nay, tập đoàn đang triển khai kế hoạch xây dựng Nhà máy sản xuất các vi mạch điện tử tại Khu Công nghiệp bờ trái Sông Đà, thuê lại đất và hạ tầng hạ tầng của Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp, với tổng diện tích 9,2 ha; tổng vốn đầu tư 4.660 tỷ đồng, tương đượng 200 triệu USD. 

Tình hình thu hút FDI của Hoà Bình thời gian gần đây

Hòa Bình là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên 4.590,29 km2 với dân số năm 2020 là 861.216 người. Vị trí địa - kinh tế chiến lược, liền kề với thủ đô Hà Nội, kết nối thuận tiện với các đầu mối giao thông quan trọng như cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 90 km, cách cảng biển Hải Phòng khoảng 170 km; có tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình và đường QL6 chạy qua khiến cho việc kết nối giữa Hòa Bình với các tỉnh trong khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và Tiểu vùng Tây Bắc Bắc Bộ khá thuận lợi; trở thành một điểm đầu mối giao thông, điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng của tiểu vùng Tây Bắc.

Theo UBND Hoà Bình, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP (tính theo giá so sánh 2010) của địa phương giai đoạn 2011 – 2020 đạt bình quân 5,88%/năm, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 đạt 5,68%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 đạt 6,09%/năm. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Hòa Bình xếp thứ 6 trong vùng và còn thấp hơn so với mức trung bình của vùng (8,5%/năm).

Trong đó, về tăng trưởng theo thành phần kinh tế, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, bình quân 17,5%/năm. Các khu vực khác có mức tăng trưởng thấp hơn tăng trưởng chung của kinh tế tỉnh.

Sang đến năm 2022, GRDP theo giá so sánh năm 2010 của Hoà Bình ước thực hiện năm 2022 đạt 32.680,25 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm 2021.

Về tình hình thu hút đầu tư, trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Hòa Bình đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 43 dự án FDI, tổng vốn đăng ký là 543,4 triệu USD. Lũy kế đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 41 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 570,6 triệu USD, vốn thực hiện là 456 triệu USD, đạt 80% vốn đăng ký. Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia có nhiều dự án đầu tư vào tỉnh Hòa Bình nhất.

Tỉnh miền núi được đại gia Nhật Bản lên kế hoạch xây dựng nhà máy hơn 4.600 tỷ đồng đang có tình hình kinh tế ra sao? - Ảnh 1.

Nguồn: MPI

Tuy nhiên, trong báo cáo Quy hoạch tổng thể Hoà Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, UBND tỉnh đánh giá, từ năm 2015 đến nay, số vốn FDI thực hiện trên địa bàn tỉnh giảm sút rất nhiều, riêng giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2014, tổng số vốn FDI thực hiện chiếm tới 91% tổng số vốn thực hiện trong cả thời kỳ 2011-2020. 

Về cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thu hút được nhiều dự án FDI nhất với 34 dự án, có tổng vốn đăng ký là 527,77 triệu USD (chủ yếu là các dự án về điện tử, may mặc), tiếp theo là bán buôn, bán lẻ với 5 dự án, vốn đăng ký 4,68 triệu USD, lĩnh vực vui chơi, giải trí có 1 dự án với vốn đăng ký là 38 triệu USD, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 1 dự án với vốn đăng ký là 0,16 triệu USD. 

Sang đến năm 2022, số liệu của Cục Thống kê Hoà Bình cho biết, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2022 ước thực hiện đạt 18.410,3 tỷ đồng, tăng 419,8 tỷ đồng (tăng 2,33%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 139,1 tỷ đồng, giảm 329,5 tỷ đồng (giảm 70,31%) so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế đến 5 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 51 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng hơn 720 tỷ USD tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 199 của HĐND tỉnh Hoà Bình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, địa phương đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 9%. Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên; quan tâm công tác thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, góp phần thu hút các nhà đầu tư khác đến nghiên cứu, đầu tư vào tỉnh.

   

Giang Anh

Tin mới