(Tổ Quốc) - Vùng đất được gọi là tiểu xa mạc đã chuyển hướng chiến lược phát triển, biến bất lợi của nắng và gió, biến những vùng đất khô cằn, sỏi đá thành những trang trại điện mặt trời, điện gió tạo ra nguồn điện năng sạch cho cả nước.
Cụ thể, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tỉnh Ninh Thuận đã có bước đi táo bạo gắn với nhiều quyết sách đúng đắn để thu hút đầu tư.
Vì vậy, nhiều năm qua, vùng đất tiểu sa mạc đã thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến đầu tư khai thác phát triển năng lượng tái tạo. Điều này đã giúp cho Ninh Thuận dần trở thành địa phương thuộc nhóm đứng đầu cả nước về phát triển năng lượng tái tạo với tổng công suất lắp đặt 3.475 MW.
Ninh Thuận là vùng đất sa mạc nên nắng và gió quanh năm và điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Tuy nhiên, tỉnh đã biết biến khó khăn thành thuận lợi. Để khai thác tiềm năng, lợi thế này, Ninh Thuận đã mạnh dạn chuyển hướng chiến lược phát triển, biến bất lợi của nắng và gió, biến những vùng đất khô cằn, sỏi đá thành những trang trại điện mặt trời, điện gió tạo ra nguồn điện năng sạch, đảm bảo năng lượng cho đất nước.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng dồi dào về nguồn năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió cả trên bờ, ven bờ và ngoài khơi. Đồng thời, tỉnh có tiềm năng lớn nhất cả nước về thủy điện tích năng. Do đó, đây là yếu tố rất đặc hữu làm gia tăng giá trị của trung tâm năng lượng tái tạo mà không nơi nào có được tại Việt Nam ngoài Ninh Thuận.
Không chỉ vậy, tỉnh còn có lợi thế về cảng biển nước sâu Cà Ná với điều kiện sóng biển để phát triển Trung tâm điện lực LNG Cà Ná. Đây được coi như một nguồn năng lượng sạch, hoạt động ổn định và là loại nguồn năng lượng ưu tiên trong phát triển nguồn điện Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn có những nguồn năng lượng tái tạo khác như thủy điện nhỏ, điện sinh khối, điện khí sinh học,… Những nguồn năng lượng này là điều kiện và cơ sở vững chắc để Ninh Thuận xác định đưa ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế trọng điểm.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, sau khi dừng chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023.
Cùng với đó, Chính phủ chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Theo ông Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, tính đến cuối năm 2021, tỉnh đã hoàn thành 55 dự án với tổng công suất 3.423 MW. Cụ thể, tỉnh có 35 dự án điện Mặt Trời, công suất 2.457 MW; 11 dự án điện gió, công suất 667 MW; 9 dự án thủy điện, công suất 299 MW; tổng công suất đưa vào vận hành thương mại khoảng 3.176 MW.
Trong đó, điện Mặt Trời 2.303 MW; điện gió trên đất liền 574 MW; thủy điện vừa và nhỏ 299 MW với tổng sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia đạt khoảng 6,250 tỷ kWh.
Các dự án không chỉ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo được xác định là một trong ba trụ cột kinh tế của Ninh Thuận.
Nhờ đó, Ninh Thuận thuộc vào nhóm 5 tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 3 năm qua. Cụ thể, năm 2019 đạt 13,9%, năm 2020 đạt 10,02% vả năm 2021 đạt 9%, 3 năm liên tiếp Binh Thuận có tốc độ tăng trưởng đứng thứ tư cả nước.
Minh Tiến