Với tinh thần cống hiến, tận tâm và kỷ luật mang đậm chất “lính”, MB đang triển khai chiến lược ESG một cách bài bản, theo chuẩn đo lường quốc tế. Điều này đã, đang và sẽ mang lại những giá trị lớn cho xã hội đồng thời là tuyên ngôn của một MB "xanh" mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
(Environmental-Social-Governance/Môi trường, Xã hội và Quản trị) là một trong những xu hướng chủ đạo sẽ định hình hoạt động kinh doanh trong thập kỷ tới, buộc các doanh nghiệp thuộc đa số ngành phải chuyển đổi mạnh mẽ. ESG là một thước đo được sử dụng để đo lường sự tác động của một doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội, cũng như chất lượng quản trị của chính doanh nghiệp.
Ngành ngân hàng có vai trò quan trọng dẫn dắt nền kinh tế khi cung cấp, điều phối nguồn vốn dựa trên quy trình thẩm định rủi ro chặt chẽ. Chính vì vậy, việc ngân hàng đóng vai trò tiên phong trong việc thực thi ESG tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững. Bộ khung pháp lý thúc đẩy ESG đang trong quá trình hình thành và bây giờ là thời điểm cho ngân hàng hành động mạnh hơn.
Là ngân hàng có hiệu quả hoạt động và quản trị rủi ro tốt nhóm đầu trên thị trường, từ năm 2017, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã chú trọng hơn nhiều đến các hoạt động cộng đồng, xã hội... Đặc biệt, từ năm 2023 MB đã cam kết thực hiện chiến lược ESG một cách bài bản, theo chuẩn đo lường quốc tế và mang "chất" riêng của một ngân hàng quân đội.
Tiền thân là một ngân hàng mang yếu tố quân đội, với sự điều hành và quản trị của các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, MB từ lâu đã luôn đề cao các vấn đề về môi trường, xã hội và ưu tiên các doanh nghiệp có hoạt động thân thiện cùng lĩnh vực.
Trong chiến lược ESG, MB cũng khác biệt các ngân hàng còn lại với tinh thần cống hiến, tận tâm và kỷ luật mang đậm chất "lính". Theo đó, MB luôn đặt mục tiêu nhân văn, "vì nước vì dân" lên hàng đầu, đồng thời đảm bảo lợi ích của cổ đông, khách hàng.
Thực tế, MB luôn là ngân hàng đi đầu trong việc thực hiện các hoạt động từ thiện và xã hội như trồng cây xanh, hiến máu, ủng hộ trang thiết bị cho các bệnh viện, xây dựng trường học…Riêng năm 2022, ngân hàng đã triển khai 84 chương trình an sinh xã hội, tổng kinh phí gần 224 tỷ đồng; đồng thời đạt giải A Cuộc thi "Sáng kiến vì cộng đồng" lần thứ IV với Dự án "Xây dựng mạng xã hội thiện nguyện Việt Nam".
Năm 2017-2018, MB là ngân hàng tiên phong trong việc cho vay dự án năng lượng tái tạo. Theo chia sẻ của Tổng giám đốc MB - Ông Phạm Như Ánh, thời điểm đó hầu hết các ngân hàng khá dè chừng với những dự án năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió vì cho rằng đây là lĩnh vực mới ở Việt Nam. Với nhiều mối lo về rủi ro, bên cạnh đó NIM (biên lợi nhuận) cũng mỏng hơn vì cho vay với lãi suất thấp, nên nhiều ngân hàng không chọn lối đi này. Tuy nhiên qua nghiên cứu, thực tế tại nước ngoài và quá trình làm việc với chuyên gia, MB đánh giá đây là các dự án bảo vệ môi trường và tích cực cho xã hội, lại cũng không quá khó và hoàn toàn trong tầm kiểm soát nên đã tự tin tiên phong hợp tác.
Sau những chia sẻ hành trình tiên phong tín dụng xanh của MB, ông Ánh khẳng định các khoản vay thời điểm đó cho đến bây giờ đều an toàn, các dự án đều hoạt động tốt. Giai đoạn Covid-19 vừa qua một số dự án gặp khó khăn nhưng hiện tại đã ổn định. MB cũng đánh giá tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Thời điểm cuối năm 2022, tỷ trọng dư nợ cho vay các dự án xanh tại nhà băng này đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Trong đó, vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm tới hơn 90% và hầu như toàn bộ là vốn cho vay trung dài hạn, đánh dấu sự chuyển đổi định hướng tín dụng theo hướng bền vững tại MB. Đặc biệt, ngân hàng cũng đã có những quy định cụ thể cho Quỹ thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong các hoạt động tín dụng của mình.
"Với tín dụng tăng trưởng khoảng 15-20% mỗi năm (hiện tại dư nợ cho vay của MB là trên 600 ngàn tỷ đồng) thì con số mà ngân hàng dành cho tín dụng xanh rất rất lớn chứ không phải chỉ đơn thuần là lớn. Bởi một số ngân hàng lớn trên thế giới họ chỉ dùng khoảng 8% dư nợ để cho vay năng lượng tái tạo, tín dụng xanh và chuyển đổi thì tỷ lệ của MB hiện đã lên tới 10-11%" - CEO MB chia sẻ.
Không chỉ thể hiện qua cơ cấu tín dụng, trong từng sản phẩm, dịch vụ của MB hiện nay, bên cạnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, thì còn luôn đề cao áp dụng tiêu chí ESG, góp phần thay đổi tích cực đến xã hội và nền kinh tế. Theo Ban lãnh đạo Ngân hàng, từ năm 2021 đã có đến gần 90% hoạt động nội bộ của MB không sử dụng giấy tờ, mà áp dụng số hóa. Và đến nay thì con số đã nâng lên mức gần như hoàn toàn không giấy tờ, tức tỷ lệ đạt xấp xỉ 100%.
Đối với khách hàng, MB cũng đã số hóa tới 90% sản phẩm tích hợp trên hệ sinh thái App MBBank cho khách hàng cá nhân, BIZ MBBank cho khách hàng doanh nghiệp cùng những chính sách miễn phí trọn đời, giúp tối giản tối đa việc sử dụng giấy tờ trong các khâu phục vụ, tận dụng tối đa công nghệ để giảm thiểu chi phí, thời gian công sức cho cả khách hàng và nhân lực ngân hàng.
Bên cạnh đó, MB cũng tích cực thực hiện những hoạt động thiện nguyện, lan toả trách nhiệm xã hội như dự án "Xây dựng mạng xã hội thiện nguyện Việt Nam" - ứng dụng thiện nguyện do MB chủ trì và xây dựng. Với sự đầu tư mạnh mẽ cả về nền tảng và truyền thông, hiện ứng dụng Thiện nguyện của MB sở hữu hơn 1 triệu người dùng và sẽ là trụ cột cho các nền tảng khác về nhân đạo.
Đặc biệt, trong năm 2022, chiến dịch "Cùng MB phủ xanh Việt Nam" do MB hợp tác cùng Quỹ Sống bền vững (Sống Foundation) đã chính thức phát động nhằm gây quỹ trồng rừng, hướng đến mục tiêu phủ xanh 14 ha rừng tại Ninh Thuận cũng như truyền thông nhận thức về vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Với sự thuận tiện và khả năng lan tỏa, chiến dịch đến nay đã thu hút gần 100.000 người ủng hộ với hơn 1 triệu lượt ủng hộ, trở thành một trong những chiến dịch cộng đồng thu hút lượt ủng hộ lớn nhất Việt Nam.
Trong tổng thể hệ thống, xét ở tất cả các khía cạnh, MB được đánh giá là ngân hàng có sự phát triển ổn định, liên tục và bền vững thuộc top đầu, bất chấp những biến động của thị trường. Điều này cho thấy sự đúng đắn trong chiến lược phát triển, đặc biệt là cam kết thực thi ESG theo chuẩn đo lường quốc tế từ năm 2023.