(Tổ Quốc) - Mới đây, tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra lễ trao đổi Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Sunny về việc thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên với số vốn từ 2-2,5 tỷ USD dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Được biết, Tập đoàn Sunny có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Thái Nguyên với quy mô từ 2-2,5 tỷ USD, doanh thu hàng năm dự kiến 5 tỷ USD, thu hút 15.000 lao động thường xuyên.
Được thành lập năm 1984, Tập đoàn Sunny nhà sản xuất linh kiện quang học tích hợp cho điện thoại, máy tính, người máy, thiết bị y tế và các máy sản xuất công nghiệp.
Niêm yết trên bảng chính của Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong vào tháng 6/2007, Tập đoàn được đưa vào "Danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu của Fortune Trung Quốc" năm 2021 và năm thứ 6 liên tiếp, hiện xếp hạng thứ 284.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Sunny đã đầu tư 4 dự án tại Việt Nam, gồm Sunny Opotech, Sunny Automotive, Sunny Infrared, Sunny Opotec, với tổng vốn 130 triệu USD, sản xuất ống kính hồng ngoại dùng cho ô tô, module camera điện thoại, camera giám sát… tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Trước khi ký biên bản ghi nhớ trị giá 2,5 tỷ USD với tập đoàn Sunny, Thái Nguyên đang có tình hình thu hút FDI ra sao?
Từ năm 2010 đến nay, Thái Nguyên đã có bước tiến ngoạn mục khi vươn lên trở thành điểm sáng về thu hút FDI. Nếu như cuối năm 2010, Thái Nguyên đứng ở vị trí 45/63 tỉnh, thành về thu hút FDI, thì đến nay tỉnh đã vươn lên lọt top đầu cả nước.
Cụ thể, năm 2010, Thái Nguyên chỉ thu hút tổng vốn FDI lũy kế đạt 113,3 triệu USD. Đến năm 2013, vốn FDI chảy vào tỉnh đã tăng mạnh nhờ khoản đầu tư trị giá 1,2 tỷ USD của Samsung. Liên tục các năm sau đó, Samsung thực hiện tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất nhà máy tại Thái Nguyên.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, sự hiện diện của Samsung đã kéo theo nhiều nhà đầu tư rót vốn FDI vào tỉnh. Cụ thể, năm 2013, Thái Nguyên là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,4 tỷ USD.
Đến năm 2022, Thái Nguyên tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, là một trong những tỉnh thu hút FDI lớn nhất cả nước nhờ những lợi thế sẵn có cùng sự cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hạ tầng giao thông thuận lợi, hạ tầng khu công nghiệp được đầu tư bài bản.
Tính riêng năm 2022 toàn tỉnh có 5 dự án FDI được cấp mới với số vốn đăng ký là 320 triệu USD, tổng số dự án FDI còn hiệu lực tại tỉnh là 171 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 10,3 tỷ USD (tương đương khoảng 237,3 nghìn tỷ đồng). So với năm 2021, giảm 9 dự án nhưng vốn đăng ký tăng gấp 2,9 lần. Ngoài ra, trong năm còn cấp điều chỉnh tăng vốn cho 15 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 1.212,19 triệu USD.
Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến năm 2022, Thái Nguyên có 197 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 10,4 tỷ USD, xếp thứ 11 trên cả nước.
Nhờ sự chuyển mình trong thu hút FDI, năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 29,6%; năm 2015 tăng lên 33,2%, góp phần vượt mức mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2015.
Nhìn chung, GRDP bình quân của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2013 - 2021 đạt 14,2%/năm; tăng gấp gần 7 lần so với mức 2,14%/năm trong giai đoạn 2000 - 2012. Một điểm nổi bật khác trong phát triển kinh tế tỉnh đó là cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch rất nhanh, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp do giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao trong những năm trở lại
Sang đến năm 2022, theo công bố của Cục Thống kê Thái Nguyên, GRDP của tỉnh ước đạt 8,59%, vượt kế hoạch (kế hoạch là tăng 8%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,23%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,75%, đóng góp 6,15 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,35%, đóng góp 2,03 điểm phần trăm.
Về cơ cấu kinh tế, do công nghiệp duy trì được tốc độ phát triển khá nên cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2022 tiếp tục xu hướng chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp; giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, thủy sản. Cơ cấu khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 59,51%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 30,03%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,46%.
Do tốc độ tăng trưởng GRDP luôn cao hơn tốc độ tăng dân số nên GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành có xu hướng tăng dần qua các năm. Cụ thể, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 107 triệu đồng/người/năm, tăng 12,5% so với năm 2021. Tính theo giá Đô la Mỹ, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.575 USD/người/năm, tăng 12% so với năm 2021.
Giang Anh