Tọa đàm khởi nghiệp có "1-0-2": Thủ tướng điều phối, các bộ trưởng, thứ trưởng trả lời

(Tổ Quốc) - Lễ khai mạc Techfest Vietnam 2020 diễn ra ngày 27/11 có một phiên thảo luận hết sức đặc biệt, được điều phối bởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tọa đàm "Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước vượt qua thách thức" trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia - Techfest Vietnam 2020, có sự tham dự của các bộ trưởng với sự điều phối của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng mở đầu: "Diễn đàn này sẽ lắng nghe ý kiến các bạn để tháo gỡ từ thể chế, cơ chế đến vấn đề chính sách tài chính, quyền sở hữu trí tuệ cho đến những vấn đề liên quan khác. Tôi tin rằng "dàn" bộ trưởng và thứ trưởng có mặt hôm nay đủ khả năng đáp ứng vấn đề các bạn nêu ra. Tất nhiên, khi cần thiết, Thủ tướng sẽ sẵn sàng trả lời cùng các bạn. Để làm sao, chúng ta tạo môi trường tốt nhất cho khởi nghiệp sáng tạo phát triển tốt hơn trong thời gian tới. Hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ được xử lý, giải quyết tốt nhất để Việt Nam chúng ta trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo, quốc gia khởi nghiệp. Trên tinh thần ấy, tôi muốn nghe ý kiến các bạn. Các bộ trưởng, các thứ trưởng có liên quan sẽ được thủ tướng chỉ định trả lời".

Vấn đề được đề cập nhiều nhất liên quan đến chính sách tài chính cho khởi nghiệp. Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Đức Trung, đối tác của VinaCapital Ventures cho biết, quỹ đầu tư này đang dùng tiền đầu tư từ bên ngoài vào để đầu tư cho các công ty đổi mới sáng tạo và công nghệ Việt Nam. Trong quá trình làm việc với các sở ban ngành địa phương, ông nhận thấy nguồn lực của Việt Nam trong việc hình thành quỹ đầu tư tư nhân để đầu tư khởi nghiệp còn nhiều vướng mắc và chưa triển khai được.

Ông Trung cho biết, liên quan đến Nghị định 38 ban hành năm 2018, quy định có thể hình thành các quỹ tư nhân để đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tuy nhiên không được hình thành pháp nhân, giới hạn số lượng nhà đầu tư dưới 30 người, tiền đầu tư vào doanh nghiệp không quá 50% vốn điều lệ, gây ra rất nhiều khó khăn trong việc định giá, đầu tư, thoái vốn.

Một số vấn đề khác được đưa ra là tại địa phương, đặc biệt là tại ĐBSCL, thanh niên nông thôn và thanh niên khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ở địa phương; hay hầu hết startup đều được nhà đầu tư yêu cầu phải thành lập công ty ở nước ngoài, có nguy cơ gây ra chảy máu chất xám...

Được Thủ tướng yêu cầu trả lời về khúc mắc liên quan đến Nghị định 38, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng cũng thừa nhận quy định xơ cứng, là rào cản. Do đó, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ nghiêm túc tiếp thu và cùng bàn với Bộ Kế hoạch Đầu tư để sửa đổi Nghị định 38 trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu trực tiếp tại diễn đàn, tháng 12 việc này phải làm xong, Thủ tướng sẵn sàng ký lại.

"Yêu cầu hai bộ trình sớm, tôi nhắc lại, để bãi bỏ những điều kiện ràng buộc không cần thiết" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về việc thanh niên nông thôn khó tiếp cận vốn, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN trả lời, nguồn vốn đầu tư vào đổi mới sáng tạo, theo kinh nghiệm các nước, thường sử dụng nguồn lực từ các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ phù hợp hơn. Còn tín dụng ngân hàng, bản chất là huy động nguồn vốn trong dân để cho vay, nên các quy định theo pháp luật hiện hành có thể khiến cho các startup tiếp cận không phù hợp.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng. Chủ trương chính sách rất quyết liệt, đã có Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành có hiệu lực 1/1/2018, cũng đã có điều khoản, quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn và có cả cơ chế hỗ trợ về mặt lãi suất. Nghị định 39 ban hành năm 2018 và Nghị định 39 năm 2019 đã có các quy định liên quan hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có startup để tiếp cận vốn.

"Nhưng thủ tục phải thuận lợi, yêu cầu thế chấp tài sản thì startup làm gì có tài sản, chỉ có "cái đầu" không thì làm sao thế chấp?" - Thủ tướng nói. "Cần có quy định thuận lợi hơn".

Ông Don Lam, Nhà sáng lập, Tổng giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital chia sẻ: "Rất nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp đầu tư vào Việt Nam có vốn từ nước ngoài. Tại sao không có doanh nghiệp lớn, doanh nhân lớn Việt Nam? Cần quan tâm hơn, đóng góp vào quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam, vốn Việt Nam, đầu tư cho công ty Việt Nam".

H.A

Tin mới