(Tổ Quốc) - Doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng trong nền kinh tế ở Việt Nam. Trong các năm qua, DNNN đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội diễn ra ngày 24/3/2022, các bộ, ngành, địa phương cho biết mặc dù chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp NSNN. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh.
Theo thống kê trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ trang thông tin doanh nghiệp, tính đến ngày 19/7, đang có 672 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 459 doanh nghiệp cổ phần hoá.
Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước mang vị thế đứng đầu, tiên phong trong nhiều lĩnh vực như: Viễn thông (VNPT, Mobifone, Viettel); Hàng không (Vietnam Airlines, ACV); Dầu khí (PVN); Xăng dầu (Petrolimex); Điện (EVN); Hoá chất (Vinachem); Cao su (VRG group); Tài chính (SCIC); Than & khoáng sản (Vinacomin); Thuốc lá (Vinataba); Hàng hải (VIMC); Đường sắt (Vietnam Railways); ... Phần lớn các doanh nghiệp trên thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý.
PVN là doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả tốt nhất năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 45.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần năm 2020. Hầu hết các chỉ tiêu SXKD đạt rất cao so với kế hoạch, nhiều chỉ tiêu sản xuất quan trọng về đích sớm. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã cung ứng kịp thời đầy đủ khí tự nhiên và điện cho thị trường năng lượng. PVN cũng xuất sắc là đơn vị đóng góp cao nhất cho ngân sách nhà nước năm 2021.
Đứng thứ 2 là Tập đoàn Viettel, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc Phòng. Năm 2021, Viettel ghi nhận doanh thu 149.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 36.900 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 6% so với năm 2020. Tại Việt Nam, Viettel vẫn duy trì vị thế dẫn đầu và là nhà mạng có chất lượng tốt nhất Việt Nam đồng thời là nhà cung cấp phủ sóng 5G lớn nhất với 150 trạm tại 16 tỉnh/thành phố.
Còn Tập đoàn EVN đạt tăng trưởng bền vững khi lợi nhuận trước thuế tăng liên tiếp 5 năm qua từ 2017 – 2021. Năm 2021, EVN đạt doanh thu 426.000 tỷ đồng và lãi gần 18.000 tỷ trước thuế. Trong 6 tháng đầu năm, EVN đã khởi công 67 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 49 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500kV.
Về "Big 4" ngành ngân hàng, Vietcombank vẫn giữ vững ngôi vương về lợi nhuận trong nhiều năm qua. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 19%. Tất cả 4 ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong năm nay, đặc biệt là BIDV tăng cao nhất với tỷ lệ tăng trưởng là 50%, đạt 13.500 nghìn tỷ đồng.
Trong khi 3 ngân hàng còn lại đã cổ phần hoá và niêm yết trên sàn chứng khoán từ lâu, Agribank hiện vẫn chưa cổ phần hoá và đang là NHTM duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trong số các doanh nghiệp còn lại, các doanh nghiệp có mức tăng tích cực so với năm 2020 có thể kể đến như là Vinachem, Vinacomin, Petrolimex, VIMC.
Đặc biệt, Vinachem đã lãi gần 4.000 tỷ đồng trong khi năm 2020 lỗ tới 1.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm ước lãi gần 4.100 tỷ đồng, vượt cả năm 2021. 4 đại dự án thua lỗ của Vinachem cũng hồi sinh, thu lãi cả nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.
Giá cước vận tải biển lên cao trong năm 2021 khiến kết quả kinh doanh của VIMC khởi sắc. Tổng công ty ghi nhận hơn 13.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt kỷ lục 3.640 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ.
Đối với Vinacomin, năm 2021 doanh thu thuần Tập đoàn đạt 113.173 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 5.288 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ 2020 và là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 10 năm đổ lại đây sau đợt giảm mạnh vào năm 2012.
Tập đoàn Petrolimex tuy lãi 3.800 tỷ đồng, gấp 2,7 lần năm 2020 nhưng vẫn chưa phục hồi về thời điểm trước đại dịch.
Bên cạnh những doanh nghiệp lãi lớn trong năm nay cũng có những doanh nghiệp lao dốc trong kết quả kinh doanh như Vietnam Airlines, ACV, SCIC.
Do ngành hàng không bị ảnh hưởng lớn từ tác động của đại dịch nên Vietnam Airlines cùng ACV đều ghi nhận kết quả không khả quan trong năm 2021. Trong đó, Vietnam Airlines lỗ đến gần 13.000 tỷ đồng. Sang năm 2022, do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, Tổng công ty dự kiến vẫn chưa thể dừng lỗ và đặt kế hoạch lỗ sau thuế hơn 9.000 tỷ đồng.
Năm 2021, ACV chỉ lãi hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 1 nửa của năm 2020 và bằng 1/10 của năm 2019 – thời điểm trước dịch bệnh. Trong quý 1/2022, hàng không phục hồi, ACV lãi trước thuế 1.088 tỷ đồng, cao nhất trong 8 quý gần đây và Tổng công ty lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 4.696 tỷ đồng - gấp gần 5 lần so với năm 2021.
Còn SCIC, công ty mẹ lãi kỷ lục hơn 9.500 tỷ nhưng lợi nhuận hợp nhất của SCIC chỉ đạt 3.628 tỷ đồng, giảm 45% so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay do khoản lỗ từ công ty liên liên kết 5.959 tỷ đồng chủ yếu đến từ Vietnam Airlines.
Huyền Trang