Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên LPBank năm 2024

Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, lãnh đạo LPBank cho biết Ngân hàng tự tin hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm, phát huy tối đa lợi thế mạng lưới, lấy chuyển đổi số làm bàn đạp tăng tốc, tăng thu phí dịch vụ… từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành Ngân hàng bán lẻ hàng đầu, Ngân hàng của mọi người.

Mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, phát triển bền vững trong năm 2024 và các năm tiếp theo

Ngày 17/4/2024, LPBank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 và thông qua toàn bộ các tờ trình. Trong đó, ngân hàng thống nhất kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ, đạt 10.500 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu này, Tổng Giám đốc Hồ Nam Tiến cho biết, Ngân hàng tập trung vào bốn nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tập trung tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực ưu tiên và phát triển thị trường bán lẻ ở các tỉnh ngoại thành, nông thôn; Kiểm soát rủi ro chặt chẽ để đảm bảo giữ chất lượng tín dụng ở mức tốt, nhằm duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 0,9%; Chú trọng tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) để giảm giá vốn đầu vào, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn đảm bảo biên lợi nhuận (NIM) của Ngân hàng; Gia tăng tỷ trọng thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng như thu kinh doanh ngoại tệ, thu dịch vụ…

CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) của Ngân hàng năm 2023 đã được cải thiện tốt. Năm 2024, Ngân hàng tiếp tục duy trì mức tương tự năm 2023 ở mức dưới 38%.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên LPBank năm 2024 - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ năm 2024 đặt mục tiêu 10.500 tỷ đồng lợi nhuận

Thu dịch vụ năm 2023 của LPBank tăng 115% so với năm 2022. Sang năm 2024, Tổng Giám đốc Hồ Nam Tiến tiết lộ, Ngân hàng sẽ chú trọng vào các hoạt động như: Triển khai đóng gói nhiều sản phẩm, dịch vụ để khách hàng dễ dàng lựa chọn, đặc biệt chú trọng phân khúc KHDN xuất nhập khẩu, KHCN sử dụng dịch vụ về chuyển tiền quốc tế. LPBank có điều kiện tốt để đẩy mạnh sang các phân khúc này khi ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, giúp khách hàng tiết giảm chi phí vận hành, quản trị rủi ro hiệu quả dựa trên dữ liệu và hành vi khách hàng.

Ngoài ra, LPBank triển khai hệ thống phần mềm đánh giá 360 độ khách hàng, để từ đó Ngân hàng hiểu và đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. "Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tăng số lượng dịch vụ bán chéo trên một khách hàng tối thiểu 5 dịch vụ/Khách hàng".

Lấy chuyển đổi số làm bàn đạp tăng tốc

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên LPBank năm 2024 - Ảnh 2.

Tổng Giám đốc Hồ Nam Tiến tại ĐHĐCĐ LPBank năm 2024

Trong năm 2023, LPBank triển khai khoảng 40 dự án công nghệ số, số hóa, ứng dụng công nghệ mới như định danh eKYC, thanh toán không tiếp xúc (NFC), triển khai nền tảng quản trị dữ liệu Datalake/Data Warehouse, giải pháp thanh toán (payments), giải pháp ngân quỹ Treasury (front – to – back), nền tảng ngân hàng hợp kênh Lienviet24h (Omni channel)…

Năm nay, LPBank sẽ tập trung các mảng số hoá quy trình bằng robots, tăng cường thêm việc khai thác dữ liệu với trí thông minh nhân tạo và phân tích nâng cao, nhằm mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng cũng như giảm thiểu các việc thủ công cho người dùng phía Ngân hàng.

LPBank cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển ngân hàng số, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị điều hành và cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, phát triển Ngân hàng số theo xu thế mới.

Đánh giá về điểm khác biệt trong chuyển đổi số của LPBank so với các ngân hàng khác, Tổng Giám đốc Hồ Nam Tiến nhận định: "LPBank lấy khách hàng làm trung tâm của chuyển đổi số, làm thước đo của kết quả chuyển đổi số thông qua tiện ích gia tăng, trải nghiệm của người dùng". Hiện LPBank đã có những bước tiến ấn tượng trên hành trình ứng dụng chuyển đổi số, khai thác sức mạnh dữ liệu để thúc đẩy giá trị kinh doanh.

Quyết liệt trong xử lý nợ xấu

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên LPBank năm 2024 - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Thái Hà phát biểu tại ĐHĐCĐ LPBank năm 2024

Năm vừa qua, LPBank đã quản trị tốt nợ xấu với tỷ lệ 1,34%. Trả lời câu hỏi của cổ đông về tỷ lệ nợ xấu mục tiêu, Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Thái Hà cho biết, con số 0,9% là con số hoàn toàn có thể làm được với tinh thần quyết liệt trong xử lý nợ xấu. Chia sẻ về chiến lược xử lý nợ, ông Hà cho biết Ngân hàng thực hiện đồng thời: Áp dụng mô hình xử lý nợ tập trung; Rà soát và thường xuyên cập nhật hệ thống văn bản định chế; Điều chỉnh chính sách nhân sự, tăng tính thu hút, để tuyển dụng lực lượng nhân sự có chất lượng, chuyên môn cao. Ngân hàng luôn đồng hành cùng khách hàng, hỗ trợ khách hàng vượt qua những khó khăn để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cương quyết xử lý dứt điểm những khách hàng cố tình chây ỳ, để nợ xấu kéo dài.

Mô hình tổ chức theo ngành dọc phát huy vai trò mạnh mẽ

Năm 2023, LPBank chuyển đổi mô hình theo ngành dọc để tạo tiền đề và nền tảng cho sự phát triển bứt phá trong thời gian tới. Đây là xu hướng quản trị của hầu hết các ngân hàng hiện đại trên thế giới, giúp quản lý hiệu quả, tăng chất lượng hoạt động và tối ưu hóa chi phí, thu nhập.

Nói về mô hình này, CEO LPBank cho biết, mô hình hoạt động giúp khai thác tối đa lợi thế mạng lưới rộng lớn của LPBank để chuyên môn hoá phục vụ khách hàng tốt hơn theo từng đối tượng KHDN, KHCN và nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh. Thực tế mô hình ngành dọc đã phát huy hiệu quả trong Quý I đầu năm 2024 với việc Ngân hàng thu về 2.886 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 84,36% so với cùng kỳ.

Sự thay đổi này không chỉ là tiền đề mà còn là nền tảng quan trọng để LPBank phát triển theo đúng chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt nam.

Phát huy tối đa lợi thế mạng lưới

Được biết, mạng lưới rộng lớn trải dài khắp 63 tỉnh thành là lợi thế riêng có từ nhiều năm nay của LPBank. Trong năm nay, Ngân hàng này có kế hoạch phát huy tối đa lợi thế mạng lưới để đẩy mạnh mảng bán lẻ. Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Thái Hà chia sẻ: "Hầu hết các ngân hàng TMCP không đầu tư cho việc thành lập mới điểm giao dịch tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngược lại, bằng việc hợp tác với VNPost, LPBank có điều kiện và chú trọng mở rộng mạng lưới các Phòng giao dịch tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên cơ sở chuyển đổi các phòng giao dịch bưu điện tại các huyện thị thành, các phòng giao dịch ngân hàng, đồng thời nâng cấp hạ tầng và cơ sở vật chất của trụ sở chính/Chi nhánh/PGD trên toàn bộ hệ thống."

Như vậy, với mạng lưới các điểm giao dịch rộng khắp trên toàn quốc, cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, thuận tiện cho các khách hàng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của LPBank bằng cả hình thức giao dịch tại quầy cũng như giao dịch Online. Cùng với năng lực, kinh nghiệm quản lý, chăm sóc khách hàng, mạng lưới là một thế mạnh rất lớn của LPBank mà các ngân hàng khác không có được.

Định hướng kinh doanh tập trung vào 06 mũi nhọn chiến lược

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên LPBank năm 2024 - Ảnh 4.

Tổng kết phần tham luận tại ĐHĐCĐ, khi được hỏi về định hướng chiến lược của LPBank trong thời gian tới, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy cho biết: Ngân hàng sẽ tập trung vào 06 mũi chọn chiến lược, bao gồm:

Thứ nhất, phát triển khách hàng bán lẻ, đặc biệt tại khu vực nông thôn

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa hoạt động Ngân hàng

Thứ ba, tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động

Thứ năm, nâng cao năng lực quản trị rủi ro

Thứ sáu, đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông và khách hàng

Đây là "kim chỉ nam" của LPBank trên bước đường hiện thực hóa mục tiêu trở thành Ngân hàng bán lẻ hàng đầu, Ngân hàng của mọi người.

Tin Cùng Chuyên Mục
Khách hàng cá nhân hưởng lãi vay ưu đãi từ Bac A Bank dịp đầu năm 2025

Khách hàng cá nhân hưởng lãi vay ưu đãi từ Bac A Bank dịp đầu năm 2025

Thấu hiểu sự cần thiết của nguồn vốn để hiện thực các kế hoạch tài chính cá nhân, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) triển khai chương trình tín dụng “Hưởng vay ưu đãi – Khởi sắc tương lai” nhằm đồng hành cùng KH cá nhân trong hành trình chinh phục các mục tiêu phục vụ đời sống và phát triển, mở rộng kinh doanh trong năm 2025.
Tin mới