(Tổ Quốc) - Theo Tổng cục Thống kê, địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất trong 9 tháng đầu năm là Bắc Giang với 44,2%, trong đó chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 46,6%.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp quý 3/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất trong 9 tháng đầu năm là Bắc Giang với 44,2%, trong đó chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 46,6%. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tháng 9/2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang đạt 36.330 tỷ đồng, tăng 8,5% so với tháng trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 307.240 tỷ đồng, tăng 50,9% so với cùng kỳ, đạt 83,9% kế hoạch.
Xếp sau về tốc độ tăng IIP 9 tháng đầu năm 2022 là Cần Thơ (30,9%), Quảng Nam (30,3%), Vĩnh Long (28,9%) và Đắk Lắk (28,3%). Trong đó, chỉ số sản xuất của ngành chế biến, chế tạo ở các địa phương này cũng tăng mạnh. Cụ thể, chỉ số sản xuất của ngành chế biến, chế tạo của Cần Thơ tăng 37,1%; Quảng Nam tăng 30,3%; Vĩnh Long tăng 30,7%; Đắk Lắk tăng 11,4%.
Ngoài ra, một số tỉnh khác cũng nằm trong top 10 địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất trong 9 tháng đầu năm là Kiên Giang, Khánh Hoà, Lai Châu, Bến Tre và Sơn La.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Các địa phương có tốc độ tăng IIP thấp nhất là Lào Cai, Cà Mau, Quảng Ninh, Bình Định, Bắc Kạn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình và Bình Thuận.
Ngoài ra, Hà Tĩnh và Trà Vinh có chỉ số IIP giảm nhiều nhất, cụ thể chỉ số IIP của Hà Tĩnh giảm 15,6% và Trà Vinh giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước.
Anh Tuấn