(Tổ Quốc) - Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2022 đạt 46,44% kế hoạch. Trong đó có 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%.
Bộ Tài chính vừa ban hành công văn số 10986/BTC-ĐT báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước lũy kế 9 tháng, ước thực hiện 10 tháng kế hoạch năm 2022. Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 30/9/2022 là 249.289,71 tỷ đồng, đạt 38,88% kế hoạch và đạt 42,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 43,49% kế hoạch và đạt 49,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Ước thanh toán từ đầu năm đến 31/10/2022 là 297.774,16 tỷ đồng, đạt 46,44% kế hoạch và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 48,79% kế hoạch và đạt 55,80% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, vốn trong nước đạt 290.807,06 tỷ đồng (đạt 47,94% kế hoạch và đạt 53,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) và vốn nước ngoài đạt 6.967,10 tỷ đồng (đạt 20,14% kế hoạch).
Bộ Tài chính cho biết, có 11 Bộ và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 55%. Các Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao nhất là Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (99,47%), Ngân hàng Nhà nước (77,08%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (74,79%)...
Xét theo từng địa phương, Bình Định là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất với tỷ lệ 79,6% trong 10 tháng đầu năm, đạt hơn 7.034 tỷ đồng.
Tiếp theo là tỉnh Tiền Giang với tỷ lệ giải ngân đạt 79,6% và tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân được 75,2% tổng số vốn đầu tư công được giao.
Ở vị trí thứ 4 và thứ 5 là Tây Ninh và Lâm Đồng với tỷ lệ giải ngân lần lượt đạt 71,6% và 68,5%. Ngoài ra, các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Vĩnh Long và Sóc Trăng cũng là các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ ra 30/52 Bộ, ngành và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó có 19 Bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.
Anh Ngọc