(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động khó lường, các doanh nghiệp FDI đang tỏ ra thận trọng về kế hoạch mở rộng quy mô.
Theo kết quả điều tra trong báo cáo PCI mới nhất, năm 2022, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có sự phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt, từ 50,56% trong năm 2021 lên 55,77% năm 2022.
Trong khi năm 2021 chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi ở mức thấp kỷ lục (38,72%) thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng đáng kể (lên mức 42,77%). Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã điều chỉnh hoạt động để ổn định doanh thu và chi phí. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống còn 44,88% năm 2022.
Mặc dù vậy, các con số tích cực trên nhiều khả năng là do sự cải thiện đáng kể chất lượng quản lý các nguồn lực của doanh nghiệp, hơn là do sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh tế. Có những tín hiệu cho thấy triển vọng kinh tế chỉ ở mức tương đối.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động khó lường, các doanh nghiệp FDI đang tỏ ra thận trọng về kế hoạch mở rộng quy mô. Chỉ có 6,24% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI-FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư trong năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 2014. Nhiệt kế doanh nghiệp – một chỉ báo về niềm tin của doanh nghiệp FDI cho thấy bằng chứng rõ hơn.
Với con số 33% doanh nghiệp FDI có dự định tăng quy mô trong năm tới, đây là mức sụt giảm mạnh so với mức 47,7% của năm 2021, giai đoạn khởi sắc ngắn ngủi sau dịch và thấp hơn nhiều so với mức trước dịch, khi con số này chưa bao giờ xuống dưới 45% trong thời gian từ 2014 đến 2019.
Tỷ lệ doanh nghiệp FDI đã mở rộng quy mô đầu tư trong năm 2022 là 6,2% so với mức 8,4% và 7,8% lần lượt vào năm 2020 và 2021.
Doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai thận trọng
54,8% doanh nghiệp FDI ở Bà Rịa - Vũng Tàu có dự định mở rộng quy mô hoạt động trong tương lai, cao nhất cả nước. Đứng thứ hai là Hải Dương với 53,6%, thứ ba là Thái Nguyên với 52,9% và tiếp theo là Quảng Ninh với 50%.
Báo cáo đánh giá: "Doanh nghiệp FDI hoạt động tại các trung tâm công nghiệp ở Đông Nam Bộ như Bình Dương và Đồng Nai tỏ ra thận trọng nhất với việc mở rộng quy mô hoạt động trong tương lai, trái ngược hoàn toàn với sự lạc quan ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Quảng Nam, Hưng Yên và Bắc Giang''.
Theo báo cáo, nguyên nhân của hiện tượng này có thể là bởi sự dịch chuyển trong cơ cấu lao động giữa các vùng miền và giữa các ngành nghề. Để có thể mở rộng quy mô, doanh nghiệp FDI ở Bình Dương và Đồng Nai cần tuyển dụng thêm lao động, tuy nhiên việc này lại trở nên đặc biệt khó khăn trong bối cảnh sau đại dịch.
Bên cạnh đó, họ không những phải cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI ở miền Bắc, miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long để tuyển lao động mà còn phải đối mặt với tình trạng người lao động nhập cư bỏ việc về quê sau dịch Covid-19. Theo báo cáo, mức độ khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông có mối tương quan chặt chẽ với sự phụ thuộc của một tỉnh, thành phố vào lao động nhập cư. Nhìn chung, các địa phương có tỷ trọng lao động ngoại tỉnh lớn như Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng bị tác động lớn hơn bởi các biến động trên thị trường lao động so với các địa phương khác.
Thái Quỳnh