(Tổ Quốc) - Với các chỉ số tài chính được dự báo, triển vọng tăng trưởng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - TPB – sàn HOSE) trong năm 2022 và nhìn về dài hạn trong các năm tiếp theo đều được các công ty chứng khoán đánh giá rất khả quan dựa trên tỷ lệ an toàn vốn cao của ngân hàng.
Mục tiêu tăng trưởng an toàn, bền vững trong năm 2022
Theo kế hoạch được công bố tại tài liệu họp ĐHCĐ, năm 2022, TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khoảng 36% so với 2021, tương đương mức 8.200 tỷ đồng. Tổng tài sản mục tiêu đạt 350.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2021. Ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ gần 5.300 tỷ trong năm 2022, lên mức hơn 21.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 527 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu.
Năm 2021, TPBank là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp trong hệ thống, chỉ 0,81%. Trong năm 2022, nhà băng này tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ này ở mức thấp dưới 1,5%.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: "Với hoạt động tín dụng, chúng tôi vẫn phải xem xét và cân nhắc kĩ lưỡng mức độ rủi ro theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước bởi bên cạnh việc đảm bảo kinh doanh hiệu quả thì chất lượng tín dụng an toàn vẫn được TPBank đặt lên hàng đầu."
Quả thực, TPBank hiện là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam hiện đang áp dụng theo chuẩn Basel III, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được ngân hàng quản lý rất chặt chẽ. Theo đó, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi LDR ở mức 60%, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) đạt trên 12%, cao hơn nhiều so với quy định tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước.Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ phản ánh chất lượng tín dụng và chất lượng tài sản an toàn của TPBank.
"Trái ngọt" từ tiên phong số hóa
Công cuộc đổi mới số giúp TPBank gia tăng tệp khách hàng, gần tiệm cận với các ngân hàng top đầu trên thị trường. Việc ra mắt hàng loạt dịch vụ sản phẩm số được thiết kế cho từng nhóm phân khúc khách hàng riêng biệt, triển khai trên nền tảng và hệ sinh thái số đa dạng và toàn diện, TPBank đã giúp các khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Sự đầu tư công nghệ bài bản từ sớm còn giúp TPBank giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí vận hành: 80% hoạt động nghiệp vụ ngân hàng tại TPBank được thực hiện dựa trên nền tảng phân tích và ra quyết định bằng dữ liệu; 80% sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ, AI, Big Data; sử dụng 300 robot giúp giảm tải công việc thuần tay chân, thuần báo cáo. Đáng chú ý, đại diện TPBank cho biết, ngân hàng giảm tới 50% chi phí vận hành nhờ sử dụng chat bot và trợ lý ảo.
Công ty chứng khoán Vietcombank đánh giá quy mô nhân sự tăng chậm hơn quy mô tài sản của ngân hàng và tỷ lệ chi phí CIR thấp hơn các ngân hàng có quy mô tương đương là một thành công của TPBank. Không chỉ giúp nhân viên của TPBank làm việc hiệu quả và năng suất hơn, chuyển đổi số cũng là lời giải cho bài toán mở rộng mạng lưới nhưng vẫn đảm bảo tiết giảm chi phí hoạt động được thực hiện rất hiệu quả bằng hệ thống LiveBank đặc trưng. TPBank đặt mục tiêu tăng chỉ số lợi nhuận bình quân mỗi nhân viên lên mức 1 tỷ đồng nằm trong Top những ngân hàng có năng suất làm việc của nhân viên cao nhất.
Với sự tăng trưởng vượt trội về hiệu quả kinh doanh năm 2021, TPBank đặt mục tiêu tỉ lệ ROE đạt 22,41% và CIR đạt 33% trong năm 2022. Có thể nói, TPBank đã hoạt động tốt cả về vốn tự có lẫn chất lượng tín dụng, được đánh giá cao theo mô hình CAMELS theo tiêu chuẩn quốc tế.
TPBank sẽ tăng trưởng bứt phá trong 2022
Với những kết quả rất tích cực của năm 2021 và kế hoạch năm 2022, trước thềm Đại hội cổ đông, các công ty chứng khoán đều đánh giá rất khả quan về triển vọng tăng trưởng của TPBank trong năm 2022 và nhìn về dài hạn trong các năm tiếp theo.
Công ty chứng khoán VnDirect nhận định trong giai đoạn 2022 – 2023, TPBank sẽ tăng trưởng lợi nhuận 25%/24,5% và đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn so với toàn ngành là 22%/20% dựa trên tỷ lệ an toàn vốn cao của ngân hàng.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng tỷ lệ an toàn vốn cao, cùng với chất lượng tài sản cải thiện, áp lực về chi phí dự phòng của TPBank sẽ giảm mạnh và tạo động lực để lợi nhuận tăng mạnh, tạo đà tăng trưởng lợi nhuận trung bình 25% liên tục so với cùng kỳ trong năm 2022-2023.
Về thị giá mục tiêu TPB, báo cáo mới đây của BVSC khuyến nghị giữ nguyên mức giá mục tiêu của TPB ở mức 44.693 đ/cổ phiếu theo phương pháp thu nhập thặng dư. Ở mức giá hiện tại, TPB đang giao dịch ở mức P/B dự phóng là 1,94x (năm 2022) và 1,56x (năm 2023), so với 2,07x là mức trung bình 1 năm qua. Đây là điều hoàn toàn hợp lý bởi TPBank đã sở hữu nền tảng cơ bản vững chắc hơn nhiều ngân hàng cùng hạng, bao gồm: nền tảng vốn tốt, sức mạnh thanh khoản, cải thiện chất lượng tài sản, mở rộng cơ sở khách hàng bền vững dựa trên lợi thế đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số và triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn. TPBank dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào ngày 26/4 tới đây.
Ánh Dương