TPBank sẽ làm gì để hiện thực hóa mục tiêu lợi nhuận 5.800 tỷ đồng và tiếp tục dẫn đầu về số hóa trong năm nay?

(Tổ Quốc) - Các ngân hàng đã đi được hơn 1/3 chặng đường hoạt động năm 2021 và các kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm nay hầu hết đều đã được cổ đông thông qua. Top các ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất 2020 vẫn tiếp tục đề ra cho mình những kế hoạch đầy tham vọng bởi không ai muốn mình bị bỏ lại phía sau.

TPBank năm 2020 đạt lợi nhuận trước thuế gần 4.300 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay ở nhà băng này. Đồng thời TPBank còn là 1 trong 10 ngân hàng tư nhân kinh doanh tốt nhất, đứng trong top đầu về nhiều chỉ số quan trọng như ROE (lợi nhuận trên vốn), CIR (chi phí trên thu nhập), tỷ lệ nợ xấu thấp và đặc biệt là tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng số.

Năm 2021, theo kế hoạch ban đầu, ngân hàng sẽ hướng tới lợi nhuận 5.500 tỷ đồng, một kỷ lục cao khác của nhà băng này. Tuy nhiên tại đại hội cổ đông thường niên vào hạ tuần tháng 4 vừa qua, lãnh đạo ngân hàng đã trình cổ đông phương án tăng thêm 300 tỷ lên con số 5.800 tỷ đồng, cao hơn 32% so với năm trước, dựa trên nền tảng tích cực từ đầu năm tới nay, và phương án này được cổ đông đồng thuận cao. "Lợi nhuận quý 1 của TPBank đã đạt 1.422 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh, do đó chúng tôi tăng kỳ vọng lợi nhuận lên để phù hợp với tình hình thực thế và thêm thách thức với ban lãnh đạo" – ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank đã chia sẻ như vậy.

Câu hỏi đặt ra là, vậy TPBank làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng ấy?

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hưng tại đại hội, xác định năm 2021 là năm khó khăn do còn ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng TPBank vẫn đặt mục tiêu tăng cường vị thế của mình là một ngân hàng uy tín, hiệu quả và chất lượng.

Ở phân khúc khách hàng cá nhân, TPBank sẽ đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ thu phí và tiềm năng ngân hàng số - một thế mạnh sẵn có của ngân hàng. Đối tượng khách hàng chú trọng phát triển là 2 phân khúc chiến lược gồm khách hàng cao cấp và khách hàng digital banking. Sản phẩm được ưu tiên phát triển là các sản phẩm cho vay mua xe và nhà, sản phẩm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế và bảo hiểm nhân thọ.

Đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh bảo lãnh, tài trợ thương mại để cải thiện chỉ tiêu thu phí; tăng lượng khách hàng mới, tăng số khách hàng sử dụng dịch vụ để tăng Casa nhằm giảm giá vốn…Các sản phẩm được triển khai, ngoài sẵn có, còn nghiên cứu thêm các sản phẩm cho khách hàng nhỏ và siêu nhỏ, xây dựng mô hình bán riêng cho nhóm này.

Đối với hoạt động nguồn vốn và kinh doanh ngoại tệ, TPBank sẽ tiếp tục cân đối nguồn vốn cho vay liên ngân hàng; giữ vị trí trong top 10 market maker về lĩnh trái phiếu; đẩy mạnh các sản phẩm phái sinh, chú trọng thanh toán quốc tế, TF..., đẩy mạnh các dịch vụ mua bán vàng, ngoại tệ, phát triển kinh doanh đồng Nhân dân tê, các hoạt động thanh toán biên mậu…

Ở mảng ngân hàng đầu tư và lưu ký, TPBank sẽ tiếp tục chú trọng và khai thác thị trường miền Nam, đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng, còn khu vực miền Bắc sẽ tập trung hơn vào tệp khách hàng SOE và quản lý dòng tiền; gia tăng tỷ trọng thu nhập từ phí và kinh doanh ngoại tệ lên 18% tổng thu nhập…Các sản phẩm dịch vụ trọng tâm hướng tới là huy động có kỳ hạn với khách hàng SOE; giữ ổn định nguồn Casa, tín dụng đẩy mạnh giải ngân ngắn hạn…

Song song với các hoạt động, lãnh đạo TPBank cho biết cũng sẽ đẩy mạnh quản lý rủi ro và kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Hiện ngân hàng đang thực hiện quản lý rủi ro theo chuẩn Basel II - là 1 trong những ngân hàng đáp ứng chuẩn này sớm nhất hệ thống, và đang tiến tới Basel II; triển khai dự án IFR09, hoàn thiện năng lực tuân thủ chuẩn mực kế toán của chuẩn quốc tế này.

Đặc biệt sau năm 2020 đổi mới số toàn diện với hàng loạt các giải pháp mới, nâng cấp hạ tầng và an ninh thông tin, ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, là ngân hàng số hóa hàng đầu. Trong năm 2021, TPBank đặt mục tiêu tiếp tục dẫn đầu về ngân hàng số, số hóa ngân hàng. Theo đó ngân hàng sẽ đầu tư mạnh để phát triển công nghệ, hiện đại hóa ngân hàng bằng nhiều giải pháp, chẳng hạn: triển khai Smart lending, AI để mở rộng cơ sở khách hàng, tăng doanh số khách hàng trên nền tảng ngân hàng số; triển khai App ebank mới cho doanh nghiệp và các dịch vụ trực tuyến khác trên nền tảng Digital mới. Bên cạnh đó, TPBank còn mở rộng mạng lưới LiveBank với thêm ít nhất 40 điểm, nâng tổng số điểm Livebank lên 370 điểm.

Theo đánh giá của các nhà phân tích và giới đầu tư, với những nền tảng đã xây dựng được trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2020, cũng như thành quả đã gặt hái được trong quý 1 thì những kế hoạch kinh doanh mà TPBank đã xây dựng cho cả năm nay chắc chắn sẽ hoàn thành, thậm chí có những chỉ tiêu còn vượt xa mục tiêu.

Ánh Dương

Tin mới