(Tổ Quốc) - Các sáng kiến phát triển bền vững về du lịch giúp Singapore không chỉ giữ vững vị trí là một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo tại châu Á mà còn mở ra các trải nghiệm mới độc đáo cho du khách.
Dịch Covid-19 kéo dài gần hai năm đang khiến ngành du lịch mang một diện mạo hoàn toàn mới. Tại đảo quốc Singapore, ngành du lịch đã nắm bắt được tâm lý của du khách sau đại dịch và có những thay đổi giúp phát triển du lịch theo hướng bền vững hơn.
Thay đổi trong hành vi của du khách sau đại dịch và tầm quan trọng của yếu tố bền vững
Trong báo cáo du lịch bền vững năm 2021 của Booking.com, 61% du khách toàn cầu muốn trải nghiệm du lịch bền vững hơn trong tương lai. Tỷ lệ khách du lịch muốn ở tại các cơ sở lưu trú có yếu tố bền vững đã tăng lên 81% vào năm 2021. Những con số này cho thấy du khách ngày càng yêu cầu cao hơn, đòi hỏi những chuyến đi tiếp theo phải an toàn hơn, thân thiện hơn với môi trường và gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn.
Để bắt kịp sự thay đổi trong hành vi của du khách, các doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng phải tìm cách đổi mới mô hình kinh doanh, nhằm tạo ra những trải nghiệm độc đáo, phù hợp với nhiều đối tượng du khách, đồng thời giảm phát thải khí carbon ra ngoài môi trường.
Một số doanh nghiệp đã và đang áp dụng những giải pháp công nghệ nhằm thay thế cho hướng dẫn viên du lịch, bản đồ & đại lý du lịch. Hay thậm chí, mang Singapore đến gần hơn với du khách nước ngoài thông qua công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) và thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality), tạo cơ hội để họ tận hưởng trải nghiệm du lịch sống động ngay tại nhà.
Công ty du lịch Tribe đã khai thác các chuyến tham quan có trò chơi kết hợp trực tiếp và trực tuyến (gamified hybrid tour).
Tính bền vững còn được thể hiện trong các thiết kế kiến trúc và trải nghiệm du lịch tại Singapore. Nổi bật trong xu hướng thiết kế kiến trúc bền vững của đất nước này phải kể đến sân bay Changi. Dưới bàn tay của Safdie Architects, điểm kết nối Jewel trong sân bay này được tái thiết kế thành điểm tham quan giải trí, dịch vụ bán lẻ và các cơ sở khách sạn mang tính bền vững.
Sân bay Changi là thác nước Rain Vortex, với thiết kế đón dòng chảy tuần hoàn của nước mưa tự nhiên.
Singapore đang trên đà phát triển mạnh mẽ hướng tới mục tiêu bền vững
Vào tháng 2 năm nay, Chính phủ Singapore đã công bố Kế hoạch Xanh 2030 (Singapore Green Plan 2030) với tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến việc phát triển quốc đảo thành điểm đến đô thị bền vững và sáng tạo.
Theo Kế hoạch Xanh 2030, tất cả xe ô tô đăng ký mới phải là mẫu xe sử dụng năng lượng sạch. (ảnh: @whathefarkas)
Hơn nữa, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch khai thác những khía cạnh, lĩnh vực mới có tính bền vững, Chính phủ Singapore sẽ bơm 68,5 triệu đô la vào Quỹ Phát triển Du lịch. Tổng cục Du lịch Singapore cũng sẽ gia hạn chương trình Thúc đẩy Du lịch thêm 2 năm nữa, tới tháng 9/2023 và tiếp tục làm việc với các cơ quan đối tác để thu hút các công ty cung cấp giải pháp công nghệ và kỹ thuật số phù hợp với lĩnh vực du lịch.
Singapore còn ra mắt nền tảng mới mang tên Khối chuyển đổi Công nghệ Du lịch (Tcube).
Bên cạnh đó, Singapore cũng liên tục cập nhật và nâng cao độ khó của Tiêu chuẩn BCA Green Mark để đánh giá các toà nhà dựa trên: Mức độ tự động, thông minh; Thiết kế, trang bị phục vụ cho sức khỏe và hạnh phúc của cư dân; Lượng phát thải carbon của toàn bộ quá trình xây dựng, lắp đặt; Khả năng bảo trì; Khả năng phục hồi, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Giải thưởng Khách sạn Xanh Singapore được tổ chức nhằm công nhận các khách sạn địa phương vì những nỗ lực trong quản lý nước, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải, tái chế chất thải và các sáng kiến xanh khác.
Không chỉ vậy, Tổng cục Du lịch Singapore đã đưa ra Bản Hướng dẫn Bền vững cho ngành du lịch MICE ở cấp độ Cơ bản và Nâng cao đối với bảy đơn vị liên quan trong chuỗi cung ứng, gồm tổ chức sự kiện và hoạt động, tổ chức triển lãm - hội nghị - hội thảo, ẩm thực, khách sạn, vận tải, địa điểm, cung cấp hình ảnh - âm thanh. Tài liệu này giúp các bên hoạch định và cung cấp hiểu rõ hơn những vấn đề về phát triển bền vững liên quan đến môi trường, xã hội và kinh tế cùng tác động của chúng lên các sự kiện được tổ chức.
Trong quá trình phát triển du lịch bền vững, Singapore còn tập trung thúc đẩy du lịch xanh. Mandai, khu bảo tồn động vật hoang dã nổi tiếng, sẽ là điểm đến thiên nhiên trọn vẹn với các tour du lịch xanh, qua đó góp phần củng cố hình ảnh Singapore như một "thành phố giữa thiên nhiên" (city in the garden).
Phối cảnh dự án Rainforest Park thuộc dự án Mandai (ảnh: The Strait Times).
Ngày 29/9, công ty Mandai Park Holdings thông báo Mandai cam kết trở thành khu trung hòa carbon (carbon neutral) trước năm 2024. Cam kết này được thực hiện thông qua chiến lược phát triển bền vững toàn diện, dựa vào các nỗ lực chính như giảm tiêu thụ năng lượng và nước, tận dụng tối đa năng lượng tái tạo, tìm ra cách thức để giảm thiểu, tái sử dụng và biến rác thải thành tài nguyên.
Có thể thấy Singapore chưa bao giờ ngần ngại đề ra các giải pháp mới và áp dụng vào mô hình phát triển du lịch theo hướng bền vững hơn. Những nỗ lực không ngừng này của Đảo quốc Sư tử hẳn cũng là những ví dụ đáng tham khảo cho các quốc gia đang tìm kiếm giải pháp thích hợp trên hành trình phát triển du lịch bền vững.
Tham khảo thêm những cập nhật mới nhất về ngành du lịch Singapore tại trang web và Facebook của VisitSingapore.
Ánh Dương