(Tổ Quốc) - Về lợi ích, theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, còn khá sớm để đánh giá đầy đủ, nhưng Hiệp định mở rộng được kỳ vọng là sẽ mang lại một số lợi ích cho cả khối cũng như các thành viên.
TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo mới nhất liên quan đến động thái Trung Quốc xin gia nhập CPTPP.
Ngày 16/9/2021, Trung Quốc chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây được xem là một trong những bước đi quan trọng của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Nếu điều đó xảy ra, khối các nước thành viên CPTPP sẽ chiếm khoảng 25,5% dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu và 28,7% thương mại toàn cầu. Còn nếu cả Anh và Trung Quốc cùng được chấp nhận tham gia, toàn khối CPTPP khi đó sẽ chiếm khoảng 26,4% dân số thế giới, 33,3% GDP và 31,7% thương mại toàn cầu.
Về lợi ích, theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, còn khá sớm để đánh giá đầy đủ, nhưng Hiệp định mở rộng được kỳ vọng là sẽ mang lại một số lợi ích cho cả khối cũng như các thành viên. Theo Báo cáo năm 2019 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), với sự có mặt của Trung Quốc, toàn khối CPTPP sẽ khiến thu nhập thực tế toàn cầu tăng thêm 632 tỷ USD mỗi năm (trong 10 năm tới), tức là tăng thêm 485 tỷ USD mỗi năm (0,57% GDP toàn cầu năm 2020) so với việc không có Trung Quốc tham gia.
Trong đó, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 4 quốc gia được hưởng lợi lớn nhất khi thu nhập quốc gia thực tế tăng thêm 16 tỷ USD mỗi năm (so với việc Trung Quốc không tham gia vào CPTPP) do Việt Nam có điều kiện địa lý thuận lợi và mối quan hệ thương mại, đầu tư chặt chẽ với Trung Quốc (Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN). Cũng theo PIIE (2019), giá trị xuất khẩu của các nước thành viên khối CPTPP khi có Trung Quốc tham gia sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với thu nhập thực tế (gấp 1,9 lần). Theo đó, giá trị xuất khẩu của toàn khối sẽ tăng thêm 1.214 tỷ USD hàng năm; trong đó, Việt Nam tăng thêm 56 tỷ USD (khoảng 19,7% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020).
Về trở ngại, thách thức, theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đến thời điểm này có thể nhận diện bốn trở ngại, thách thức chủ yếu đối với Trung Quốc và các quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam).
Một là, để được tham gia Hiệp định, quốc gia nộp đơn phải có sự đồng thuận của tất cả 7 nước thành viên đầy đủ (Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Việt Nam), trong khi đó mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia gần đây có những căng thẳng, áp thuế lẫn nhau. Ngoài ra, theo một số chuyên gia nhận định, Mỹ cũng có thể gây sức ép đối với Canada và Mexico theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới (USMCA) được ký lại năm 2018. Theo đó, các nước thành viên của USMCA không được ký kết thương mại với các nền kinh tế "phi thị trường" (trong khi Trung Quốc vẫn chưa được thừa nhận tư cách này từ Mỹ và châu Âu).
Hai là, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP chưa chắc đã mang lại được nhiều lợi ích kinh tế như ước tính ở trên vì đa số các nước thành viên đều đã có các FTA lớn với sự tham gia của Trung Quốc. Đối với Việt Nam, cả Việt Nam và Trung Quốc đều đã là thành viên của các hiệp định thương mại tư dọ (FTA) như ACFTA (giữa ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2003) và RCEP (gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand; đã ký kết ngày 15/11/2020, đang chờ chuẩn y để tiến tới có hiệu lực). Do đó, giá trị gia tăng có thể sẽ không nhiều như mong đợi.
Ba là, cạnh tranh nội khối sẽ tăng lên, nhất là khi Trung Quốc là quốc gia định hướng xuất khẩu (năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt gần 2.600 tỷ USD, thặng dư thương mại hơn 500 tỷ USD). Trung Quốc tham gia CPTPP cũng đồng nghĩa với việc gây áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp nội khối; trong khi lợi thế cạnh tranh đang nghiêng về các doanh nghiệp Trung Quốc, với những ưu thế về quy mô, năng lực tài chính và công nghệ, chuỗi cung ứng toàn cầu và giá cả …v.v.
Bốn là, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều FTA, nhưng khả năng tận dụng của Việt Nam chưa tốt. Theo đánh giá của Trung tâm WTO (VCCI), Việt Nam mới tận dụng được bình quân khoảng 37% ưu đãi do các FTA mang lại, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Như vậy, nếu không chuẩn bị để nâng cao "năng lực hấp thụ", rất có thể Việt Nam sẽ còn thua ngay tại sân nhà.
Tóm lại, theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, còn khá sớm để đánh giá đầy đủ tác động của việc Trung Quốc tham gia CPTPP đối với cả khối nói chung và Việt Nam nói riêng, nhưng rõ ràng là Việt Nam cần nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các kịch bản khác nhau, chuẩn bị một cách bài bản để tận dụng tốt cơ hội và giảm thiểu rủi ro, nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực hấp thụ và năng lực ứng phó với các cú sốc, rủi ro từ bên ngoài.
H. Kim (Ghi theo Báo cáo của Nhóm tác giả)