(Tổ Quốc) - Nhóm cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB, mã chứng khoán MSB) vừa mua thêm cổ phiếu để gia tăng sở hữu trước thềm chia cổ tức.
Cụ thể, ngày 17/8, CTCP May – Diêm Sài Gòn đã mua 6,3 triệu cổ phiếu MSB, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 36.683.756 cổ phiếu (tỷ lệ 3,12%).
Hiện có 4 đơn vị có liên quan đến Công ty May – Diêm Sài Gòn đang nắm giữ cổ phiếu MSB là Công ty Cổ phần Sông Hồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Tiến An, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hà Tây và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam. Trong đó, May – Diêm Sài Gòn là cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn của Công ty Cổ phần Sông Hồng, còn 3 đơn vị còn lại là cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn của May – Diêm Sài Gòn.
Như vậy, sau giao dịch, nhóm cổ đông liên quan và CTCP May - Diêm Sài Gòn đã nâng tổng sở hữu tại MSB từ 5,37% lên 8,49% với gần 99,8 triệu cổ phiếu.
Ngày 17/8, cổ phiếu MSB đóng cửa tại 31.400 đồng - là mức gần như đỉnh của cổ phiếu này. Sau khi lập đỉnh, MSB sụt giảm mạnh theo đà lao dốc của thị trường, và hiện thấp hơn mức đỉnh khoảng 10%.
Mới đây, Hội đồng quản trị MSB đã phê duyệt triển khai tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 30%, tương ứng phát hành thêm 352,5 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng.
Việc chi trả cổ tức đang được hoàn tất các thủ tục, bao gồm chờ phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước, và dự kiến sẽ thực hiện trong quý 3 này.
Trước đó MSB cũng công bố các cổ đông nước ngoài đang sở hữu kín room ngoại tại MSB - mức 30%.
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, Tổng giám đốc MSB là ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, MSB sẽ bán 100% công ty tài chính FCCOM, thay vì kế hoạch bán 50% như lúc đầu. Hiện có 2-3 đối tác đang làm việc với ngân hàng và thương vụ dự kiến hoàn tất trong năm 2022. Theo ước tính của công ty chứng khoán Guotai Junan Vietnam, thương vụ có thể giúp MSB mang về khoảng 500 tỷ đồng lợi nhuận.
Tổng giám đốc MSB cũng tiết lộ về kế hoạch tìm đối tác chiến lược nước ngoài của MSB. Theo đó, trong tương lai gần, khả năng sẽ xin ý kiến cổ đông dành một phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, đối tác chiến lược ở thời điểm cần thiết. Đối tác chiến lược nước ngoài sẽ có thể đóng góp về nguồn lực, tài chính, kinh nghiệm và công nghệ cho ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng, mức sinh lời hàng năm của MSB hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm cơ hội với ngân hàng.
Diễn biến giá cổ phiếu MSB trong 6 tháng qua
H. Kim