(Tổ Quốc) - Chia sẻ tại Diễn đàn "Doanh nghiệp: Lựa chọn nào thời hậu COVID-19?", TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đã có tham luận về "Tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam - Một số gợi ý chính sách và đối với doanh nghiệp".
TS Lực cho biết, so sánh với các cuộc khủng hoảng trước đây, cuộc khủng hoảng do Covid-19 lần này gây ra khiến cho tâm lý nhà đầu tư vô cùng căng thẳng, bất an. Vì vậy, sẽ có những đợt rút vốn của nhà đầu tư ra khỏi thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội chúng ta "đón lõng" hay không là điều đáng bàn trong chiến lược sắp tới.
Vị chuyên gia này cho rằng, năm nay kinh tế thế giới suy thoái rất rõ, Việt Nam có 2 quý tăng trưởng thấp hơn so với quý 4 năm 2019 nhưng Việt Nam có lợi thế hơn khi kiểm soát tốt dịch bệnh và sớm mở cửa lại nền kinh tế. Tuy nhiên, quý 3-4 tình hình kinh tế tăng trưởng ra sao thì đây cũng là một bài toán mà nước ta phải lưu tâm.
"Rủi ro thách thức lớn của năm nay và năm tới là câu chuyện Covid-19, chiến tranh thương mại và công nghệ và địa chính trị phức tạp", ông Lực chia sẻ.
Đánh giá về những chỉ số 6 tháng đầu năm 2020 tại Việt Nam, TS Lực cho biết, 6 tháng đầu năm nông nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng phục hồi tốt nhất, dịch vụ vẫn còn khó khăn. Giải ngân đầu tư công tăng 20% so với cùng kì năm trước, sự quyết liệt của Chính phủ đã đưa đến kết quả khả quan. Dịch bệnh là chất xúc tác quan trọng với quá trình dịch chuyển đầu tư nhanh hơn, mạnh hơn, COVID-19 thúc đẩy thị trường đầu tư các nước vào Việt Nam cũng nhanh và mạnh hơn.
Ngoài ra, trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ ngày 1/7, khi các diễn giả đặt câu hỏi "Có cần giảm tiếp lãi suất không?" thì ông Lực cho rằng, Chính phủ vẫn nên tiếp tục giảm lãi suất vì chúng ta cần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, nhưng lãi suất không phải vấn đề cốt yếu".
"Theo dự báo tăng trưởng của các tổ chức Quốc tế, Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 2,4-3,5%. Đặc biệt, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ là 4,1%. Và chúng tôi cũng có dự báo lạc quan như ADB. Theo tôi, nếu chúng ta quyết liệt, quyết tâm thì con số 4,1% có thể tương đối khả thi", ông Lực nói.
Cũng tại sự kiện, TS. Lực nhận định "Doanh nghiệp của chúng ta hiện nay rất khó khăn", đồng thời chuyên gia này trích dẫn báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đối với 15 ngành kinh tế trọng yếu của Việt Nam (theo báo cáo của Viện Đào tạo Nghiên cứu BIDV).
Theo đó, có 9/15 nhóm ngành chịu tác động rất lớn gồm Dệt may/Da giày; Sản xuất sản phẩm từ gỗ; Sản xuất, kinh doanh thép; Khai khoáng (dầu thô); Du lịch; Vận tải – kho bãi; Bán lẻ; Tài chính – ngân hàng – bảo hiểm; và Giáo dục – đào tạo.
"Covid-19 tác động đến tất cả các ngành kinh tế của chúng ta. Chúng tôi đã tính toán với 15 lĩnh vực ngành nghề có tác động khác nhau. Thu ngân sách giảm 8% nhưng chúng ta phải chấp nhập, bởi khối doanh nghiệp của chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn, ông Lực nhấn mạnh.
Từ những chia sẻ về tình hình thế giới và trong nước, vị chuyên gia kinh tế này đã gợi ý một số chính sách đối với doanh nghiệp nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới để bù đắp cho những tổn thất do đại dịch vừa qua.
"Chúng tôi đã đề xuất 6 lĩnh vực" - TS Lực nói và cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy xuất khẩu các thị trường còn tiềm năng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát (Mỹ, EU, ASEAN và HQ…); giải ngân đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tận dụng cơ hội thu hút có sàng lọc đầu tư nước ngoài; kích cầu tiêu dùng nội địa; phát triển kinh tế số, kinh doanh số, Chính phủ điện tử. Riêng về cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, theo ông Lực lúc nào cũng phải chú trọng, đặc biệt là năm nay lại càng phải quan tâm, chú trọng hơn.
Về gợi ý chính sách đối với Chính phủ, Chính sách tiền tệ và tài khóa, ông đề xuất 6 điểm cần lưu ý. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với Chính sách tiền tệ: cần "Chủ động, linh hoạt và thận trọng"; với Chính sách tài khóa cần "chặt chẽ, kỷ luật và kỷ cương"; phối hợp chặt chẽ giữa Chính sách tiền tệ với Chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác (chính sách giá, thương mại…) nhằm kiểm soát lạm phát CPI dưới 4%.
Thứ hai, cần đẩy mạnh xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu theo NQ 42/2017/QH14 của Quốc hội; tăng năng lực tài chính, quản lý rủi ro (chuẩn Basel 2) của các tổ chức tín dụng...
Thứ ba, ông Lực dự báo tín dụng năm nay sẽ tăng khoảng 8-10%. Vì vậy, cần tiếp tục định hướng ưu tiên và kiểm soát chất lượng tín dụng. Đồng thời giảm nhẹ mặt bằng lãi suất; điều hành tỷ giá linh hoạt; và kịch bản nợ xấu tăng nhanh.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, cùng với đó là cho vay mới (không hạ chuẩn tín dụng) đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện QĐ 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 về cơ cấu lại TTCK và bảo hiểm đến 2020 và định hướng đến 2025; hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi; nới room tỷ trọng cho vay chứng khoán.
Thứ sáu, cần thúc đẩy hội nhập; phát triển tài chính số, NH số (thanh toán không dùng tiền mặt, mobile money, fintech…) trong bối cảnh hậu Covid-19.
Cuối cùng là mô hình 5 chữ R: bao gồm 3Rs - Respond (ứng phó với đại dịch), Recover (phục hồi) và Re-invent (đổi mới, sáng tạo trong mô hình/chiến lược kinh doanh) (theo tư vấn của các chuyên gia CPA - Úc); và cộng với 2Rs khác như: Restructure (tái cơ cấu) và Resilie (tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài). Theo ông Lực nhận định, doanh nghiệp cần đáp ứng được ít nhất 3 yếu tố đầu tiên.
Phạm Hậu