TS Đinh Thế Hiển: Số hóa và chuyển dịch sang bán lẻ là một quá trình kéo dài, đòi hỏi các nhà băng phải thực sự dứt khoát và kiên trì

(Tổ Quốc) - Tỷ trọng ngân hàng bán lẻ trong thu nhập và dư nợ ngân hàng Việt Nam đã phát triển ở một mức tương đối cao tiệm cận với các quốc gia hàng đầu khu vực. Phải chăng đà tăng trưởng đã hết, sau bán lẻ sẽ là gì? Có chăng lại về với bất động sản?

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, các thống kê cho thấy, năm 2021 tín dụng ngân hàng đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40% - 50%, đặc biệt có ngân hàng lên đến gần 90%.

Chẳng hạn theo Tổng giám đốc ACB cho biết, cho vay bán lẻ của nhà băng này chiếm tới 94%. Trong khi đó tại VIB, dư nợ bán lẻ chiếm 87% tổng dư nợ toàn hàng, tại Sacombank là khoảng 70%...

Có ý kiến cho rằng tỷ lệ 40-50% là tiệm cận với các nước phát triển và mảng bán lẻ của các ngân hàng đã mất đi quán tính tăng trưởng và động lực để phát triển ngân hàng bán lẻ của các nhà băng Việt Nam là không còn nhiều.

Tuy nhiên nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho biết, ở Việt Nam mảng bán lẻ có phần khác hơn so với các quốc gia trên thế giới.

Trong nền kinh tế hiện đại, hệ thống ngân hàng cũng được chia thành nhiều loại hình ngân hàng khác nhau. Trong đó, ngân hàng lớn nhất là ngân hàng thương mại, còn ngân hàng có quy mô nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng là ngân hàng đầu tư. Lượng người sử dụng các dịch vụ thông qua ngân hàng cũng sẽ tăng lên, nó sẽ không như nền kinh tế tiền mặt giai đoạn trước.

Với bối cảnh đó, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung phát triển mảng bán lẻ. Trong đó, tập trung gia tăng tỷ trọng dịch vụ. Tỷ trọng cho vay bán lẻ, thu nhập dịch vụ cũng sẽ cao hơn trong cơ cấu dư nợ và thu nhập của ngân hàng. Lĩnh vực dịch vụ cũng là lĩnh vực mà ngân hàng chỉ có lãi ròng, đồng thời không tốn chi phí huy động vốn.

Việt Nam hiện tại vẫn tập trung xem tín dụng là thứ quan trọng, còn dịch vụ thì vẫn chưa tập trung phát triển. Trong thực tế để phát triển, mở rộng thị phần và mang lại lợi nhuận nhanh nhất, các ngân hàng ngoài nhà nước hoặc các ngân hàng "chiếu dưới" ở Việt Nam thường tập trung vào cho vay lĩnh vực bất động sản. Theo các báo cáo của Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2017, tăng trưởng ngân hàng bán lẻ lên đến 50-70%. Tuy nhiên đằng sau đó lại là cho vay bất động sản.

TS. Đinh Thế Hiển cũng khẳng định, câu chuyện không phải là còn động lực phát triển ngân hàng bán lẻ hay không mà phải xem ngân hàng bán lẻ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của một ngân hàng thương mại

Tuy nhiên, phát triển ngân hàng bán lẻ là một công việc khó. Vì nó đòi hỏi các sản phẩm cho vay đến các sản phẩm dịch vụ phải đồng bộ thống nhất và tiện lợi. Đồng thời, các nhà băng cũng phải phát triển đội ngũ phục vụ năng động và được huấn luyện tốt. Công việc như vậy đòi hỏi một khoản thời gian dài. Nó không chỉ là việc cho vay mà còn là chăm sóc khách hàng và cải tiến dịch vụ.

Phát triển ngân hàng bán lẻ phải gắn liền với digital banking (ngân hàng số). Hiện tại các nhà băng chỉ mới số hóa ở dạng đưa các công cụ internet vào hoạt động kinh doanh ngân hàng. Ở tầng thứ hai của ngân hàng số là xây dựng một hệ sinh thái. Trong đó, ngân hàng bán lẻ sẽ được tích hợp vào hệ sinh thái này. Tuy nhiên, đa số các ngân hàng vẫn chưa làm được. Việc số hóa và chuyển dịch sang mảng bán lẻ là một quá trình kéo dài, đòi hỏi các nhà băng phải thực sự dứt khoát và kiên trì thực hiện.

Hòa An

Tin mới