(Tổ Quốc) - Sáng ngày 15/10, tại hội thảo khoa học quốc gia: "Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế", TS Võ Trí Thành cho biết, trong một kỷ nguyên với nhiều bất định, Việt Nam cần có một thể chế ứng phó hiệu quả, chi phí thấp, phản ứng nhanh để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế.
3 yếu tố chỉ có ở đại dịch Covid-19
Phát biểu tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã chỉ ra 3 đặc trưng cơ bản của đại dịch lần này.
Thứ nhất, sức tàn phá của đại dịch Covid-19 đến sức khoẻ, tính mạng và nền kinh tế rất "ghê gớm". Đáng chú ý, đối với kinh tế, khác với nhiều cuộc khủng hoảng khác, cuộc khủng hoảng lần này có rất nhiều yếu tố "phi tiền tệ", có tiền những chẳng làm được gì trong thời Covid". Thậm chí, Chính phủ phải "lấy đá ghè chân mình", tìm được điểm cân bằng giữa chống, khống chế dịch bệnh và mở cửa nền kinh tế.
Thứ hai đó là những chính sách hỗ trợ chưa từng có về mọi mặt, đi kèm với các biện pháp giãn cách xã hội đối với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ ba, đó là tính bất định. Các mô hình kinh tế như hình chữ W, L, V hay thậm chí cả "dấu phẩy của logo Nike" đều được đưa ra. Ngay cả ở Việt Nam, dù được đánh giá là quốc gia có mô hình phục hồi hình chữ V thì sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2021, nền kinh tế mới có khả năng quay trở lại như trước giai đoạn đại dịch.
Theo đó, TS. Võ Trí Thành khẳng định, đại dịch Covid-19 đã thay đổi 5 xu hướng lớn từ trước đó, bao gồm: xung đột giữa các nước lớn; tiêu dùng; chuyển đổi số; biến đổi khí hậu; hội nhập. Ông nêu rõ, một số nội hàm có yếu tố tích cực hơn, một số lại trở nên phức tạp hơn. Ví dụ như xu hướng tích cực đó chuyển đổi số, tiêu dùng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo đã được "thúc" mạnh hơn.
Tuy nhiên, một số xu hướng trở nên phức tạp hơn điển hình như cạnh tranh về nguồn lực, mâu thuẫn giữa tự do hóa thương mại đầu tư và chủ nghĩa bảo hộ... Đặc biệt, chuỗi giá trị truyền thống trước đây chỉ được tạo nên bởi 3 yếu tố: tự do hoá, lợi thế so sánh và chi phí vận chuyển.
Song, Covid-19 đã làm phức tạp các chuỗi giá trị lên rất nhiều. Bên cạnh đó, mặt hàng chiến lược và công nghệ lõi cũng là những yếu tố rất mới của Covid-19, đưa vào giá trị dịch chuyển dòng vốn và đầu tư.
Ông Võ Trí Thành nhận định: "Nền kinh tế mở của Việt Nam đạt hiệu quả có thể nhìn rõ ở FDI, nhưng trở thành các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lại là vấn đề về sự tin cậy".
TS. Võ Trí Thành. Ảnh: Kiên Trần
Gói hỗ trợ mới không được "tất tay"
Liên quan đến chính sách, ông cho biết, Việt Nam có thể rút ra hai bài học lớn nhất, đó là bài học làm chính sách tốt, và thực thi chính sách tốt. Đặc biệt, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, làm ra chính sách thì quan trọng, nhưng thực thi tốt còn quan trọng hơn.
Ông chỉ ra 4 nguyên tắc liên quan đến chính sách lần này. Nguyên tắc số 1 phải là chống dịch. "Bởi vì không chống dịch thì kinh tế chết".
Tiếp theo đó là hỗ trợ lần hai không được "tất tay". "Mình nghèo, mình phải giữ, phải còn tiền. Bởi vì phía trước còn bất định, còn nhiều khó khăn", ông giải thích.
Thứ ba, đó là phải giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô. "Chúng ta đã rút ra được bài học rất đau xót của năm 2009, khi chi 8 tỷ USD để hỗ trợ dẫn đến bất ổn vĩ mô. Dù năm nay hay sang năm, chúng ta phải chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn, chấp nhận tỷ lệ nợ công cao hơn, nhưng phải ở trong vùng an toàn", ông đề cập.
Nguyên tắc cuối cùng, đó là cần nhanh, đúng, chuẩn, quyết liệt.
Liên hệ thực tế, theo ông Thành, gói hỗ trợ lần này cần tuân theo một số nguyên tắc: "Một là phải đủ lớn. Rất may chúng ta có tiền và chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách. Hai là diện phải rộng, tương tự như gói hỗ trợ lần một, có tính đến người lao động, doanh nghiệp và xã hội. Thứ ba, một số lĩnh vực ảnh hưởng, một số doanh nghiệp phải tính toán những quy mô lan toả... Ví dụ chúng ta cần tính toán đến hỗ trợ ngành hàng không".
Ông nói thêm: "Như vậy là có diện, có điểm, có quy mô. Thời gian ít nhất phải kéo dài đến năm 2021".
Ngoài ra, ông Thành cũng đánh giá ý tưởng của gói hỗ trợ lần một vẫn còn rất đơn giản, đó là "doanh nghiệp đang có tiền thì hãy giữ lấy mà cầm cự, nhà nước chưa thu vội". Tuy nhiên, đến gói hỗ trợ lần hai, ý tưởng phải thay đổi, không còn là cầm cự, mà phải hỗ trợ vượt khó, phục hồi và tái cấu trúc.
"Điều hay của thời đại bây giờ là công nghệ có thể xử lý được những mâu thuẫn mà trước đó không giải quyết được. Nền kinh tế xanh là một ví dụ, vừa hiệu quả, vừa bền vững. Mặc dù kinh tế số có mặt tiêu cực, nhưng nó cũng bao gồm nhiều mặt tích cực. Cụ thể, ai cũng có thể tiếp cận được những dịch vụ tốt của tài chính".
"Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên với rất nhiều cú sốc, rất nhiều bất định. Thêm vào đó, các cú sốc diễn ra rất nhanh. Thế nên, chúng ta cần một thể chế ứng phó hiệu quả, chi phí thấp, phản ứng nhanh, quyết liệt để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế vĩ mô".
Cuối cùng, ông Thành kết luận: "Kinh tế là do dữ liệu dẫn dắt. Vì vậy, chúng ta cần phát triển thêm kinh tế học dữ liệu. Đây là một chân trời rất rộng, nhưng nó gắn với sự phát triển của thế giới, cũng như sự phát triển của Việt Nam".
Q.L