(Tổ Quốc) - Bắt tay hợp tác với Phongsubthavy, mục tiêu Tập đoàn T&T Group là mở rộng thị trường và hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhà phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) hàng đầu Việt Nam.
Ngày 21/3, tại Hội nghị Gặp mặt giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các Bộ/ngành, doanh nghiệp của 2 nước Việt Nam – Lào diễn ra tại Thủ đô Vientiane (Lào), Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn Phongsubthavy đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực NLTT. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác phát triển các dự án NLTT tại Lào với tổng công suất khoảng 2.500 MW hướng tới bán điện về Việt Nam.
Cụ thể, T&T Group sẽ phối hợp cùng Phongsubthavy để phát triển các dự án theo quy định pháp luật hiện hành của hai nước; trực tiếp tham gia vào các giai đoạn phát triển dự án như khảo sát, đánh giá, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn công nghệ, xây lắp, tư vấn… nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo hiệu quả của dự án.
Đại diện Tập đoàn T&T Group cho biết, việc hợp tác nhằm cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư phát triển công suất các nguồn điện đạt khoảng 12.000-15.000 MW.
"Việc đồng hành cùng với một đối tác lớn tại Lào giúp chúng tôi có thể nắm bắt nhanh chóng các quy trình, quy định của pháp luật và chính sách năng lượng của Lào, thuận lợi hơn trong việc lựa chọn các dự khả thi và hiệu quả để nhanh chóng triển khai kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của T&T Group trong lĩnh vực năng lượng" - bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc T&T Group phát biểu tại lễ trao biên bản ghi nhớ
Ngoài ra, sự hợp tác góp phần khai thác tiềm năng NLTT rất lớn của Lào, đồng thời hiện thực hóa quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai Chính phủ Việt – Lào trong lĩnh vực năng lượng.
Từ đầu năm 2016, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác đầu tư các dự án thuỷ điện tại Lào, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào. Năm 2019, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định về Hợp tác Phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ. Theo đó, Việt Nam sẽ nhập khẩu điện từ Lào với công suất từ 3.000-5.000 MW trong giai đoạn 2020-2030 để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo tính toán của EVN, năm 2022, khu vực miền Bắc dự kiến sẽ thiếu khoảng 1.500-2.400 MW điện trong một số giờ cao điểm, thời tiết cực đoan, khi thuỷ điện cung ứng trên 45% điện cho khu vực này. Tuy nhiên, ước tính đến cuối tháng 12/2021, tổng lượng nước tích tại các hồ thuỷ điện miền Bắc không đủ cung cấp, đạt hơn 7,46 tỷ kWh, thiếu hụt 465 triệu kWh.
Với điều kiện khí hậu và tự nhiên thuận lợi, Lào được đánh giá có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió và điện mặt trời... có thể khai thác quy mô công suất lớn.
Được thành lập vào năm 1993, trong những năm gần đây, T&T Group chú trọng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Đến cuối năm 2021, T&T Group đã đưa vào vận hành và hoàn thành xây dựng khoảng 1.000 MW các dự án điện gió, điện mặt trời, khởi công dự án điện khí LNG 1.500 MW.
Mục tiêu đến năm 2023, T&T Group sẽ đầu tư phát triển tổng công suất các nguồn điện đạt khoảng 12.000-15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam.
Tập đoàn Phongsubthavy là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất của Lào. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, Phongsubthavy hiện đang sở hữu danh mục dự án lên đến 2.000MW và nắm giữ 24% cổ phần và là một trong những cổ đông lớn của Công ty sản xuất điện lực Lào.
Hiện tại tập đoàn đang xây dựng đường dây truyền tải 220kV Nậm Săm - Nông Cống (Thanh Hóa) và 220kV Nậm Mô - Tương Dương (Nghệ An) để cung cấp điện năng cho Việt Nam, bổ sung kịp thời cho nhu cầu điện của miền Bắc ngay trong năm 2022.
Nhuận Hoa