(Tổ Quốc) - Tesla trong năm vừa rồi chi xấp xỉ 1,5 tỷ USD cho hoạt động R&D, số tiền chi ra ngày một tăng lên trong hơn 10 năm qua.
CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) đã dành ra khoảng 1.732 tỷ đồng (gần 76 triệu USD) cho hoạt động nghiên cứu phát triển trong 6 tháng đầu năm, con số này gấp 6,5 lần so với cùng kỳ.
Vingroup cũng cho biết đây mới là những khoản đã đủ điều kiện hạch toán vào BCTC trong kỳ. Thực chất số chi cho R&D của tập đoàn còn lớn hơn nhiều.
Chi phí cho R&D tăng có thể hiểu phần lớn đến từ dự án VinFast, khi nhà sản xuất ô tô Việt Nam đang đẩy mạnh cho ra mắt các mẫu xe điện/xe hybrid với mục tiêu bán trên toàn cầu từ năm 2022. Kế hoạch của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là biến ô tô VinFast trở thành phương tiện cạch tranh trực tiếp với xe xăng, đi cùng với xu hướng phát triển xe điện trên toàn cầu nhằm hạn chế phát thải.
Trong nửa đầu năm, Vingroup ghi nhận doanh thu 9.334 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất công nghiệp, doanh thu này chủ yếu đến từ dự án VinFast. Chi phí R&D trên doanh thu ở mức xấp xỉ 21%.
Chi phí cho R&D là một trong những thước đo quan trọng với các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực xe điện. Nó phản ánh phần nào cuộc đua về công nghệ hướng đến loại phương tiện thông minh hơn, thân thiện với môi trường và là xu hướng bắt buộc của tương lai.
Tesla, nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới dẫn đầu về độ bạo chi cho R&D. Năm ngoái công ty của tỷ phú Elon Musk chi gần 1,5 tỷ USD cho hoạt động này. Chi phí nghiên cứu phát triển cho các dòng xe Tesla ở mức cao năm thứ tư liên tiếp và được dự báo còn tăng hơn nữa trong năm nay. Nửa đầu năm, Tesla tiếp tục chi 1,24 tỷ USD cho R&D.
Tesla vượt trội hơn hẳn so với các nhà phát triển xe điện khác, như Lucid Motor năm ngoái chi 511 triệu USD cho R&D, xếp thứ hai. NIO chi ra 381 triệu USD; Xpeng 265 triệu USD và Li Auto 169 triệu USD.
Trong đó, các nhà sản xuất xe điện tử NIO, Xpeng và Li Auto đều là những doanh nghiệp Trung Quốc với tuổi đời non trẻ chưa đầy 5 năm. Họ không ngại chi hàng trăm triệu USD trong những năm gần đây để tạo ra những chiếc xe tốt cả phần cứng và phần mềm. Hiện tại, cả ba doanh nghiệp đều được niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Đặt trên bàn cân, công ty của tỷ phú Elon Musk có quy mô lớn hơn rất nhiều so với các nhà sản xuất Trung Quốc. Vốn hóa của Tesla hiện ở mức 737 tỷ USD, trong khi NIO 64 tỷ USD, Xpeng 36 tỷ USD và Li Auto 32 tỷ USD. Bản thân công ty Mỹ cũng có thời gian phát triển lâu năm hơn và đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu phát triển từ cách đây 10 năm.
Số liệu cho thấy, trong những năm đầu, tỷ lệ chi phí R&D trên doanh thu của các công ty Trung Quốc ở mức cao, từ 80 – 100%. Điều này cũng dễ hiểu khi doanh thu khi đó vẫn ở mức thấp, đồng thời mức đầu tư nghiên cứu phát triển mạnh mẽ.
Năm 2020, tỷ lệ này trở nên cân bằng hơn. Ở Tesla, chi phí R&D/Doanh thu 4,7%, NIO 15,3%, Xpeng 29,5% và Li Auto 11,6%. Vingroup của Việt Nam (tính riêng mảng ô tô) là 21% như đã đề cập.
Theo một chỉ tiêu khác, chi phí R&D trên tổng chi phí hoạt động của các nhà phát triển xe điện hàng đầu thế giới dao động từ 30 – 50%. Cụ thể hơn, tại Tesla tỷ lệ này là 32,2%, NIO 38,4%, Xpeng 37,1% và Li Auto là 49,6%.
Tuy nhiên xét trên bình diện rộng ngành ô tô, chi phí R&D của mảng ô tô điện vẫn chưa thấm vào đâu so với các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới.
Dẫn đầu về chi cho R&D là Volkswagen, 16,5 tỷ USD năm 2020, tương đương khoảng 7,6% doanh thu. Daimler chi ra 10,21 tỷ USD, 5,6% doanh thu; Toyota chi 9,87 tỷ USD, 3,8% doanh thu; Ford chi 7,1 tỷ USD, 5,58% doanh thu.
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô hàng đầu thế giới hiện đang tập trung vào các vấn đề: phát triển công nghệ sạch cho ô tô, làm cho các phương tiện trở nên thông minh hơn và an toàn hơn. Cụ thể hơn, nghiên cứu hướng đến công nghệ xe điện, tự động hóa trong ô tô, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trải nghiệm người dùng, các khoản đầu tư vào công nghệ pin cũng được đẩy mạnh.
Đông A