(Tổ Quốc) - Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới chiếm spotlight trong tuần tới với nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ có thể bắt đầu chậm lại, nhưng chưa biến mất do áp lực giá cả vẫn còn đó. Tuần tới Trung Quốc cũng sẽ công bố dữ liệu kinh tế quan trọng khi Bắc Kinh nới lỏng một số quy định nghiêm ngặt về COVID-19, trong khi chỉ số PMI sẽ “kiểm tra sức khỏe” cho nền kinh tế toàn cầu.
Dưới đây là những sự kiện tài chính – ngân hàng trên toàn cầu quan trọng trong tuần tới.
1/ Niềm vui nhân đôi
Các nhà đầu tư sẽ rất hoan hỉ nếu thông tin cuối năm từ Mỹ cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tháng 11 sẽ hạ nhiệt. Dữ liệu này sẽ được công bố vào thứ Ba (13/12), sau đó là quyết định cuối cùng trong năm 2022 về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – sẽ được công bố vào thứ Tư (14/12).
Dữ liệu CPI tháng 10 đã cho thấy giá cả tăng thấp hơn dự kiến, ở mức 0,4% so với tháng liền trước trước. Dấu hiệu này cho thấy lạm phát ở Mỹ đang chậm lại, giúp thúc đẩy thị trường cổ phiếu tăng điểm, song lại khiến USD quay đầu lao dốc. Dữ liệu lạm phát tháng 11 dự kiến ở mức 0,3%. Nhưng dữ liệu việc làm mạnh mẽ gần đây của Mỹ đã khơi dậy lo ngại lạm phát.
Đối với Fed, Chủ tịch Jerome Powell sẽ tổ chức cuộc họp báo cuối cùng trong năm sau những bình luận gần đây rằng đã đến lúc phải giảm tốc độ tăng lãi suất sắp tới. Các thương nhân đang dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản - một bước giảm so với mức tăng 3/4 điểm phần trăm trong 4 lần gần đây. Trọng tâm chú ý của thị trường có thể chuyển sang các tín hiệu về mức độ tăng lãi suất trong lần cuối cùng này để dự đoán về mức tăng lãi suất trong năm tới.
Thị trường tập trung theo dõi dữ liệu lạm phát của Mỹ và quyết định của Fed.
2/ Thứ 5 đầy ắp các sự kiện
Thứ Năm tuần tới (15/12) được gọi là ngày "siêu thứ Năm" ở châu Âu, khi các ngân hàng trung ương trong khu vực đồng euro, Anh, Thụy Sỹ và Na Uy đồng loạt ra quyết định về lãi suất.
Những con số lạm phát mới nhất đã làm tăng hy vọng rằng áp lực lạm phát ở khu vực đồng euro cuối cùng cũng giảm bớt và thị trường cảm thấy tự tin rằng sau hai lần lãi suất tăng liên tục thêm 75 điểm cơ bản, ECB sẽ quyết định tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào ngày 15/12.
Đừng mong đợi ECB sẽ tỏ ra ôn hòa - áp lực giá năng lượng vẫn rất mạnh và Chủ tịch EBC, bà Christine Lagarde, sẽ cẩn thận để không gây ấn tượng rằng các nhà hoạch định chính sách đang "rời mắt khỏi quả bóng."
Câu chuyện ở những nơi khác cũng sẽ diễn ra tương tự, với Thụy Sĩ và Na Uy cũng dự kiến sẽ tăng chi phí đi vay một lần nữa. Tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương lớn đang chậm lại nhưng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc.
Lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
3/ Anh bước vào giai đoạn suy thoái
Tình hình kinh tế tồi tệ của Anh khó có thể ngăn cản Ngân hàng Trung ương Anh tăng chi phí đi vay một lần nữa vào thứ Năm tới (15/12). Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters dự đoán ngân hàng trung ương Anh sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm lên 3,5% bất chấp suy thoái kinh tế sắp xảy ra - mà BoE dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2024.
Chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao đã đẩy lạm phát giá tiêu dùng lên mức cao nhất trong 41 năm qua là 11,1% trong năm tính đến tháng 10. Dữ liệu lạm phát của Vương quốc Anh hôm thứ Tư (14/12) có thể gợi ý về việc giá giá tăng đến đỉnh điểm, theo xu hướng ở khu vực đồng euro và Mỹ.
Tuy nhiên, BoE có thể sẽ phản đối việc chấm dứt thắt chặt tiền tệ ngay khi lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2%. Thị trường nhìn chung dự đoán lãi suất của Vương quốc Anh sẽ đạt 4,6% vào tháng 9 tới và sẽ kết thúc năm 2023 ở mức 4,5%.
Ngân hàng trung ương Anh trong cuộc chiến lạm phát.
4/ Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống COVID.
Sau ba năm kiềm chế chặt chẽ chống COVID-19, Trung Quốc cuối cùng cũng bắt đầu nới lỏng một chút. Các biện pháp mới bao gồm cách ly tại nhà đối với những người dương tính với COVID thay vì các trung tâm cách ly và ngừng không xét nghiệm đối với du lịch nội địa, đúng thời điểm chuyến bay đến Disneyland Thượng Hải mở cửa trở lại.
Sự thay đổi này đã được thị trường chờ đợi từ lâu. Những người dân chỉ cách đây không lâu đã phản đối các biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì nay đang vui mừng trên các mạng xã hội. Các nhà đầu tư đã yên tâm trở lại. Chỉ số chứng khoán Hang Seng đã có ngày tồi tệ nhất trong hơn một tháng vào thời điểm trước khi Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát COVID, sau một thời gian hồi phục kéo dài trong vài tuần. Đồng nhân dân tệ đã hồi phục trở lại, vượt lên trên ngưỡng 7 CNY/USD.
Dữ liệu thương mại yếu nhất trong 2 năm rưỡi của Trung Quốc chính là lý do để các nhà hoạch định chính sách thận trọng, không chỉ cho thấy tác động của việc phong tỏa chống COVID mà còn do nhu cầu trên thị trường quốc tế yếu đi. Dữ liệu bán lẻ và nhà máy công bố vào thứ Năm tuần tới có thể sẽ cho thấy kinh tế Trung Quốc vẫn còn ảm đạm.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mất đà.
5/ Kinh tế thế giới chậm lại
Một năm lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ sắp kết thúc. Với giá năng lượng hiện đã giảm so với mức cao nhất trong năm, các doanh nghiệp và hộ gia đình đang bớt lo lắng trước áp lực lạm phát cao đến chóng mặt.
Nhưng điều đó dường như không đủ để tránh được tình trạng kinh doanh của một số nền kinh tế lớn trên thế giới thu hẹp 6 tháng liên tiếp tính đến tháng 12. Bất cứ lĩnh vực nào, từ sản xuất đến khách sạn, đều chứng kiến nhu cầu sụt giảm và chi phí đầu vào tăng cao.
Các chỉ số sản lượng PMI tổng hợp nhanh của S&P Global về Mỹ, Anh, Đức, Pháp và khu vực đồng euro dự kiến sẽ cho thấy một số cải thiện nhẹ, nhưng hoạt động ở cả năm khu vực dự kiến sẽ giảm trở lại. Nhật Bản cũng nằm trong nhóm những thị trường rơi vào tình trạng này, với PMI sản xuất tháng 11 của nước này có mức giảm mạnh nhất trong hai năm.
Kinh tế các nước đều rơi vào tình trạng báo động.
Tham khảo: Reuters
Vũ Ngọc Diệp